Là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và xuất khẩu chè lớn thứ 5 toàn cầu nhưng giá chè xuất khẩu của Việt Nam vẫn chỉ bằng nửa giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới... Kết quả lũy kế xuất khẩu chè 6 tháng đầu năm 2018 giảm cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), xuất khẩu chè của Việt Nam 6 tháng đầu năm ước đạt 13.000 tấn, với giá trị đạt 23 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu chè 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 58.000 tấn tương đương 94 triệu USD, giảm 8,7% về lượng và 3,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Trong nửa đầu năm nay, các thị trường xuất khẩu chính của chè Việt Nam tiếp tục là Pakistan chiếm 28,4%, Đài Loan chiếm 13,5%, Nga chiếm 13,3%, Trung Quốc chiếm 7,4%, Indonesia chiếm 5,4% và Mỹ chiếm 4,4%. Điểm nhấn là sự khởi sắc tại một số thị trường trọng điểm như Đài Loan tăng tới 12,7% so với cùng kỳ năm 2017, tiếp đó là Mỹ, Malaysia và Ả Rập Xêút. Giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam những tháng đầu năm 2018 lại có xu hướng tăng ở nhiều thị trường (tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017). Điều này cho thấy, chè Việt Nam đang dần nâng cao được giá trị trên các thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, có thể thấy giá chè xuất khẩu tăng nhưng lượng chè xuất khẩu lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Thuận lợi trong xuất khẩu chè tại Việt Nam là rất lớn song cũng có không ít khó khăn. Việt Nam đang là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và có sản lượng xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới, với 124.000ha trồng chè và hơn 500 cơ sở sản xuất chế biến, công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô/năm. Các sản phẩm chè của Việt Nam được xuất khẩu đi hơn 100 nước trên thế giới chè đạt trên dưới 100 triệu USD, với nhiều chủng loại chè phong phú và đa dạng.
Song, thị trường chè thế giới đang ở trạng thái bão hoà do sản lượng chè thế giới tăng, nguồn cung dồi dào là một trong những nguyên nhân khiến lượng xuất khẩu chè của Việt Nam giảm trong những tháng đầu năm 2018. Bên cạnh đó, giá trị của ngành chè nước ta còn thấp, giá chè xuất khẩu của Việt Nam vẫn chỉ bằng một nửa giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chè Việt Nam xuất khẩu ở mức chưa cao do chất lượng sản phẩm chè còn thấp cũng như chưa có thương hiệu do đang chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, sản phẩm chè Việt Nam vẫn đang loay hoay để đáp ứng các tiêu chuẩn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, Pakistan đưa ra các tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt đối với các nhà xuất khẩu là phải xuất trình giấy chứng nhận mức Aflatoxin. Quy định này đã khiến các nhà nhập khẩu tại Pakistan cũng giảm lượng mua hàng. Thực tế, đa phần chè Việt vẫn chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường dễ tính như Pakistan, Trung Quốc... Còn tại các thị trường châu Âu, Mỹ với các tiêu chuẩn khắt khe hơn đòi hỏi phải có chứng nhận thương mại công bằng, hữu cơ thì thị phần vẫn còn rất khiêm tốn.
Chè Việt Nam đang dần nâng cao được giá trị trên các thị trường quốc tế. Để nâng cao chất lượng chè xuất khẩu, khẳng định vị thế, khai thác tốt hơn các thị trường lớn, giàu tiềm năng như Mỹ, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chè cần đầu tư sâu hơn nữa vào phát triển chuỗi giá trị ngành hàng chè để nâng cao chất lượng sản phẩm, quan tâm đặc biệt tới quy trình sản xuất và chế biến theo hướng an toàn và hữu cơ hóa, đáp ứng được các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu lớn.
Gần đây, Hiệp hội Chè Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với với nhiều đơn vị sản xuất chè như Công ty Cổ phần Chè Hà Tĩnh, Xí nghiệp Chè Tây Sơn, xã Sơn Kim 2, thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” để giúp người dân nâng cao nhận thức trong sản xuất chè an toàn, tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới bền vững hơn. Việc sản xuất chè an toàn này sẽ tạo ra được sản phẩm chè an toàn, phát triển bền vững, Xí nghiệp có sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, giúp cho bà con ổn định việc làm và tăng thu nhập từ sản xuất chè.
Thị hiếu tiêu dùng chè đang thay đổi khi các loại chè giá cao (được pha trộn và đóng gói) ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng tại các nước sản xuất chè lớn. Tại các quốc gia xuất khẩu chè lớn trên thế giới đã kịp thời chuyển hướng từ sản xuất những loại chè truyền thống sang các loại chè có pha trộn với thức uống khác để làm giảm tác dụng phụ của chè, hoặc sản xuất những loại chè cao cấp ít có tác dụng gây hại cho sức khỏe hơn. Các doanh nghiệp chè Việt Nam vì thế cũng cần đầu tư hơn nữa vào công nghệ chế biến sâu sản phẩm chè, phối trộn với các thứ nước uống khác để tạo nên hương vị đa dạng, giảm lượng cafein và các chất gây tác dụng phụ trong chè, để bắt kịp sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng chè trên thế giới.
Hồng Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng