Ngày 10/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ sơ kết giai đoạn II - bước 1 Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam.”
Ngày 10/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ sơ kết giai đoạn II - bước 1 Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam.”
(Ảnh minh họa: Bích Ngọc/TTXVN)
Báo cáo kết quả triển khai dự án, ông Phan Hữu Phong, Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết theo kế hoạch, bước 1 của Dự án được triển khai trong 15 tháng, từ tháng 4/2012-6/2013 tại 12 tỉnh gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và ba Trung tâm đào tạo vùng tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban quản lý dự án đã đưa vào sử dụng 11 máy chủ, 4.180 máy tính, 640 máy in và các trang thiết bị phụ trợ đã được nối mạng Internet băng thông rộng và lắp đặt cho 637 điểm đủ điều kiện thực hiện, bao gồm 311 điểm thư viện tỉnh, huyện, xã, 323 điểm bưu điện văn hóa xã và 3 trung tâm đào tạo vùng.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, các phòng đào tạo của ba thư viện tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An và Trà Vinh cũng được dự án hỗ trợ thêm các trang thiết bị.
Về tổng thể, dự án đã hoàn thành các hoạt động theo kế hoạch, diện bao phủ và đối tượng hưởng lợi rộng khắp từ Trung ương đến địa phương. Đến nay, hệ thống đã phục vụ gần 200.000 lượt người sử dụng và đang có xu hướng tăng.
Về hiệu quả xã hội, dự án đã góp phần nâng cao năng lực phục vụ và cách thức cung cấp thông tin thông qua máy tính và Internet; hỗ trợ người dân nghèo, nhóm thiệt thòi và những người sống ở vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội được tiếp cận bình đẳng, hiệu quả với công nghệ thông tin, từ đó cải thiện được cuộc sống của cá nhân, cộng đồng và xã hội.
Phần lớn các nội dung thông tin người dân cần đều có mức độ đáp ứng khá tốt, nhất là nội dung thông tin về trao đổi trực tuyến. Những ứng dụng được cung cấp phổ biến trên Internet hiện nay như đọc tin tức, tham gia các diễn đàn, sử dụng các dịch vụ trực tuyến, điện thoại qua Internet… bước đầu được người dân khu vực nông thôn chấp nhận sử dụng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai dự án còn gặp một số khó khăn như hầu hết các điểm tham gia dự án đều ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân trí thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ ít nên không hiệu quả.
Do thu nhập thấp, lượng công việc nhiều, phức tạp và phải quản lý khối tài sản lớn nên nhiều nhân viên làm việc tại điểm bưu điện văn hóa xã xin nghỉ việc; ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Bên cạnh đó, hầu hết các đơn vị chưa chủ động tuyên truyền, quảng bá nên nhiều nơi người dân chưa biết đến dịch vụ Internet công cộng.
Trước những khó khăn trên, đại diện các đơn vị thực hiện Dự án đề xuất Ủy ban Nhân dân các địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ truyền thông về dự án thông qua phương tiện truyền thanh xã, thông qua các buổi họp, sinh hoạt cộng đồng để người dân biết, đến tìm hiểu thông tin.
Ban quản lý Dự án cần có biện pháp tích cực trong việc hỗ trợ thu nhập và công tác an toàn, an ninh cho nhân viên làm việc tại điểm Bưu điện Văn hóa xã. Dự án cần có chi phí dự phòng cho các rủi ro: mất cắp, lũ lụt, thiên tai làm ảnh hưởng đến tài sản dự án cũng như chi phí cho việc đánh giá lại tài sản khi bàn giao.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tiếp tục hỗ trợ, đảm bảo đường truyền cho các điểm dự án.
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Nang-cao-kha-nang-dung-may-tinh-Internet-cong-cong/201310/220029.vnplus
Việt Hà
theo TTXVN