Sự kiện hot
3 năm trước

Nâng cao kỹ năng tổ chức trò chơi cho thanh thiếu niên trong hoạt động Đoàn – Đội

Kỹ năng tổ chức trò chơi hoạt động tập thể trong sinh hoạt Đoàn, Đội có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi hoạt động này giúp cho sinh hoạt có những ý nghĩa. Vì vậy rèn luyện kỹ năng tổ chức trò chơi là một vấn đề hết sức quan trọng đối với người cán bộ thanh niên ở cơ sở.

Trong các buổi sinh hoạt tập thể, những cuộc vui chơi tập thể giúp liên kết các thanh thiếu nhi với nhau. Muốn tổ chức trò chơi, người điều khiển trò chơi phải có một số kỹ năng và những hiểu biết cơ bản. Nội dung trò chơi phong phú hấp dẫn, người chơi tham gia nhiệt tình nhưng quản trò vụng về thì cuộc chơi tập thể sẽ kém hiệu quả và khó thành công. Vì vậy rèn luyện kỹ năng quản trò là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết đối với cán bộ thanh niên ở cơ sở.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Anh Tuấn - người có 31 năm công tác và cống hiến trong lĩnh vực đào tạo, là trưởng bộ môn Nghệ thuật Đoàn Đội trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, giảng viên chính giảng dạy môn Âm nhac và Đoàn đội thuộc Trung tâm Bồi dưỡng và Tổ chức sự kiện của trường, thì kỹ năng tổ chức trò chơi cho thanh thiếu niên trong hoạt động Đoàn – Đội là một kỹ năng tổ chức hoạt động cần thiết cho các tổng phụ trách, cán bộ đoàn và cán bộ hội làm các công tác phong trào trong cơ quan trường học. Việc tổ chức các trò chơi sẽ mang lại sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên, tăng cường kỹ năng, khả năng tổ chức hoạt động cho cán bộ đoàn đội,đẩy xa tệ nạn xã hội, gắn bó đoàn kết trong cộng đồng...

Việc tổ chức trò chơi thanh thiếu niên nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu giao lưu, vui chơi giải trí của thanh thiếu nhi, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, tạo sức hấp dẫn của tổ chức Đoàn, Đội đối với thanh thiếu nhi; Thông qua trò chơi nhằm tạo môi trường tiên tiến để thanh thiếu niên rèn luyện nhân cách và các kỹ năng cần thiết trong giao tiếp ứng xử; Tạo cơ hội cho thanh thiếu nhi thể hiện khả năng, năng khiếu, óc sáng tạo của mình trong những  tình huống có vấn đề; Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội như chơi điện tử, tụ tập đua xe trái phép hay một số trò chơi vô bổ khác; Trò chơi cũng là một phương tiện để rèn luyện tính tổ chức, kỷ luật, ý thức tập thể… nên người điều khiển cuộc chơi phải giám sát chặt chẽ việc chấp hành luật chơi, không bỏ qua một lỗi nhỏ và có làm như vậy mới đảm bảo được sự an toàn và đoàn kết.

Kỹ năng quản trò

Muốn tổ chức trò chơi, người điều khiển trò chơi phải có một số kỹ năng và những hiểu biết cơ bản. Nội dung trò chơi phong phú hấp dẫn, người chơi tham gia nhiệt tình nhưng quản trò vụng về thì cuộc chơi tập thể sẽ kém hiệu quả và khó thành công. Vì vậy rèn luyện kỹ năng quản trò là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết đối với cán bộ thanh niên ở cơ sở.

Đối với người quản trò phải biết nhiều trò chơi. Trước hết trong cẩm nang của người quản trò phải có đủ các loại trò chơi, có thể phân loại theo tính chất, nội dung, theo độ tuổi theo địa hình (vị trí chơi) theo yêu cầu, theo quy mô, vv... để từ đó có thể tổ chức.

Trước hết quản trò phải nắm vững một số trò chơi hay nhất, dễ thực hiện nhất đã được người chơi hưởng ứng và đã được tổ chức thành công để khởi đầu cho những  trò chơi mới lạ tiếp theo.

Bên cạnh đó cần biết cách sử dụng trò chơi đúng đối tượng và hợp với tâm trạng người chơi. Cụ thể, khi chuẩn bị cuộc chơi, quản trò phải quan sát trạng thái tâm lý, niềm say mê nhiệt tình của người chơi từ đó lựa chọn những trò phù hợp. Hãy chọn những trò chơi đơn giản làm mọi người đều có thể dễ dàng hưởng ứng. Khi người chơi đã nhập cuộc thì bắt đầu đưa vào những trò chơi đòi hỏi cao hơn, phức tạp hơn.

Bắt đầu cuộc chơi một cách dí dỏm, hấp dẫn cũng là điều không thể thiếu. Bởi, điều kiện để cuộc chơi thành công là người chơi muốn chơi, chăm chú nghe quản trò và nắm vững luật chơi, tự nguyện, nhiệt tình chủ động tham gia trò chơi.

Vì vậy, trước hết cần dùng những lời nói hết sức ngắn gọn, hài hước, dí dỏm, giới thiệu tên trò chơi, mục đích, ý nghĩa của trò chơi. Tiếp theo cần nêu rõ cách chơi và những luật lệ cần tuân thủ. Sau cùng là nêu trước ý định sẽ thưởng phạt những ai chơi tốt hay phạm luật.

Cần cho mọi người chơi thử một lần, chơi nháp, sau đó tiến hành chơi thật và cử trọng tài bắt lỗi những ai phạm luật.

Cùng với đó, người quản trò chơi cũng cần biết điều hành trò chơi một cách linh hoạt thông minh, dự kiến những tình huống bắt trước và xử lý những tình huống bất trắc và xử lý những tình huống đó một cách hợp lý.

Quản trò phải di chuyển sao cho có thể quan sát được toàn bộ cuộc chơi, nhanh chóng phát hiện ra những người lanh lợi, hoạt bát, dí dỏm làm nòng cốt cho cuộc chơi.

Nghiêm túc tuân thủ luật chơi đảm bảo sự công bằng, bình đẳng, song vẫn vui vẻ thoải mái và hào hứng.

Cuộc chơi bắt đầu từ những  trò chơi đơn giản nhất và phức tạp dần lên. Biết dùng những  trò chơi phụ làm hình phạt tạo điều kiện tốt cho mọi người được thư giãn và biết chấm dứt cuộc chơi đúng thời điểm (tốt nhất là vào lúc cao điểm) hay đã phân định thắng thua rõ ràng. Cố gắng duy trì một bầu không khí hoàn toàn thoải mái, thư giãn thật sự, không kể thắng thua.

Tiếp đó, cần biết cách luyện tập tác phong cho phù hợp trong khi điều khiển trò chơi. Cụ thể, dáng điệu, cử chỉ phải gây được thiện cảm, tạo được sự chú ý ban đầu, tạo nên sự gần gũi thân quen trong suốt cuộc chơi.

Tâm hồn trong sáng cởi mở, toàn tâm toàn ý cho cuộc vui chung. Biết hành động biết nói sao cho đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng, biết khích lệ sự cố gắng của mọi người đảm bảo hiệu quả giáo dục sâu sắc trong cuộc chơi.

Có bản lĩnh vững vàng, ứng xử nhanh nhẹn, không cáu gắt, la mắng và sẵn sàng nhường "diễn đàn" cho những quản trò khác mà không mặc cảm.

Biết cách sẵn sàng thay đổi trò chơi theo yêu cầu của người chơi, nhanh chóng phát hiện và chỉ định quản trò cho phù hợp với từng trò chơi.

Biết tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm, thực sự cầu thị. Qua quan sát những quản trò khác, người chơi trong cuộc rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho bản thân về vốn trò chơi, kỹ năng tổ chức và phong cách của người quản trò. Đồng thời chú ý lắng nghe các ý kiến nhận xét, quan sát thái độ của người chơi để điều chỉnh những  gì chưa hợp lý.

Quản trò cần thuộc và hát đúng một số bài hát cộng động (đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hát) để phục vụ cho trò chơi.

Nên có cuốn sổ để sưu tầm, sáng tác trò chơi, những bài hát cộng đồng và những băng reo trong sinh hoạt tập thể.

Người quản trò cũng cần mạnh dạn, tự tin, khiêm tốn: Khi có cơ hội phải mạnh dạn tham gia các cuộc chơi khác nhau, là người chơi tích cực, hăng hái nhiệt tình trong các cuộc chơi. Phải xuất hiện đúng lúc, mạnh dạn thực hiện vai trò của mình một cách tự tin, gây ấn tượng, tránh đứng ngoài cuộc bình phẩm, chê bai người khác.

Ngoài ra, quản trò cũng cần lưu ý đến một số điều nên tránh, cụ thể: Đưa trò chơi không phù hợp với tâm trạng mọi người, chưa nắm vững luật chơi, chưa có sự chuẩn bị chu đáo; Những trò chơi xúc phạm đến nhân cách của người chơi, những trò chơi thiếu văn hoá, thiếu tính giáo dục; Dùng hình thức thô bạo hay kéo dài thời gian phạt đối với người phạm luật hay thua, dễ gây nhàm chán; Dáng vẻ quá đạo mạo, nghiêm nghị khi điều hành như là một trọng tài khi thi đấu thể thao; Thiên vị hoặc quá dễ dãi bỏ qua hình phạt đối với người phạm luật, người thua; Tự ái, nóng nảy bỏ dở cuộc chơi khi bị xúc phạm hay bị người chơi chê trách.

Kỹ năng xử lý một số tình huống

“Bắt đầu cuộc chơi tập thể mất trật tự, thiếu tập trung chú ý”Tình huống này gặp ngay trong các buổi sinh hoạt, hội họp của Đoàn, Hội.

Để tạo sự chú ý ban đầu, quản trò có thể: Thực hiện một số băng reo "tràng pháo tay", "mưa rơi", vỗ tay theo quy ước...; Dùng còi hay tiếng vỗ tay (tạo tiếng vỗ khác thường) để tập trung chú ý, sau đó thực hiện vài trò chơi đơn giản; Sử dụng một vài “hình phạt vui" để buộc những người khác phải cố gắng để không phạm luật; Sử dụng nhóm "thành viên tích cực" (ngay từ đầu đã trật tự chăm chú lắng nghe) làm nòng cốt cho một trò chơi đơn giản. Khi đó buộc các người khác phải dừng các "việc riêng" khác "tò mò" quan sát, sau đó sẽ tự nguyện nhập cuộc; Hát ngay một bài hát (không cần giới thiệu) rất tự nhiên và tỏ vẻ say sưa, từ đó tạo chú ý cho mọi người...; Không khí nặng nề trầm lắng, người chơi rụt rè, thiếu mạnh dạn; Nếu thực hiện ngay trò chơi sẽ dễ dàng thất bại; Nên bắt đầu bằng một "trò ảo thuật" hoặc kể một câu chuyện tiếu lâm; Tiếp đó thực hiện một số trò chơi tương ứng; Tăng dần liều lượng những trò chơi mang tính chất thi đua giữa các nhóm. Khi các nhóm đã vào cuộc để giành thắng lợi là bạn đã thành công.

Quản trò cũng có thể bắt đầu bằng cách cho tập thể hát một bài. Một bông hoa hay một cái mũ được chuyển từ tay người này sang tay người khác theo nhịp bài hát. Khi bài hát đã kết thúc hoặc quản trò (quay mặt hướng khác) bất ngờ thổi một tiếng còi thì người cầm bông hoa hay cái mũ ở thời điểm đó sẽ là người bắt buộc phải hát một bài, cứ như vậy trò chơi tiếp tục.

“Người chơi nhiệt tình nhưng có sự ganh đua mãnh liệt giữa các nhóm chơi”. Đây là điều thường xảy ra, nếu như quản trò không có biện pháp xử lý thoả đáng thì cuộc chơi mất hết ý nghĩa.

Trước hết quản trò phải nhanh chóng phát hiện nguyên nhân. Thông thường là do luật chơi không chặt chẽ, quản trò thưởng phạt không công minh, người chơi khích bác chê bai nhau...; Sau khi phát hiện đúng nguyên nhân, quản trò công khai tuyên bố trước mọi người, rồi mới tiếp trò chơi cũ hoặc chuyển sang trò chơi mới và bắt đầu bằng những quy ước chặt chẽ và kín kẽ hơn; Khi chia nhóm chơi nên cử nhóm trưởng và chọn một số trọng tài "công minh" không nằm trong các nhóm chơi; Linh hoạt thay đổi trò chơi hay phương pháp điều khiển để tạo cho nhóm nào cũng có thể thắng cuộc; Khi cuộc chơi ở mức cao trào, có thể chuyển sang hình thức hoạt động khác tạo ra sự hoà hợp giữa các nhóm.

“Người chơi mệt mỏi và tỏ vẻ chán chường”. Có nhiều nguyên nhân như: Trò chơi quá khó, cuộc chơi quá dài hay luât chơi bắt buộc một người phải lặp đi lặp lại nhiều động tác đứng lên, ngồi xuống, chạy đổi vị trí... trò chơi đơn điệu không hấp dẫn hoặc không phù hợp. Từ những nguyên nhân cụ thể mà quản trò lựa chọn biện pháp xử lý thích hợp. Nhưng nói chung có thể chọn một trò chơi thật nhẹ nhàng, hấp dẫn hay một bài hát tập thể để chấm dứt cuộc chơi. Cũng có thể chuyển sang thực hiện những  trò chơi trí tuệ như: "Đố vui có thưởng", "Hát đối" hoặc "kể chuyện vui".

“Không khí trầm lặng kém sôi nổi”. Đây cũng là tình huống thường gặp trong các buổi gặp mặt hay đi tham quan, dã ngoại. Trong trường hợp này nên sử dụng một số loại trò chơi như: "Nối từ" (chia nhóm, nhóm này nêu ra một từ nhóm khác tìm từ khác nói vào sao cho hai từ đó có nghĩa, cứ như vậy cho đến khi nhóm nào không tìm được thì thua. Ví dụ: màu xanh - xanh tươi - tươi mát - mát mẻ - mẻ chua - chua ngoa - ngoa ngoắt - ..."hát liên khúc, "hát nối", "đối vui", "thi kể chuyện tiếu lâm...").

“Người chơi đề nghị thực hiện những trò chơi ngoài dự kiến”. Trong trường hợp này quản trò nhanh chóng khéo léo thực hiện đề nghị đó, xem như đó là trò chơi được dự định từ trước (nếu quản trò hiểu rõ trò chơi đó). Cũng có thể khéo léo giới thiệu ngay người đề nghị điều khiển trò chơi tập thể, khi đó mình đóng vai trò "quản trò phụ".

Ngoài ra, còn một số tình huống khác như: Chỉ định ai làm gì nhưng họ không thực hiện,...

Phương pháp xây dựng “cẩm nang” trò chơi

Mỗi cán bộ Đoàn, Hội, Đội nên có bộ sưu tập trò chơi theo thể loại. Trò chơi dân gian, trò chơi sinh hoạt tập thể và trò chơi thể thao từ các nguồn như: Các loại trò chơi đã in thành sách; Các loại trò chơi đã in trong các báo viết và giới thiệu trên truyền hình; Các trò chơi trong sinh hoạt cộng đồng mà bản thân được tham dự, được quan sát, sau đó ghi chép lại; Các trò chơi được người khác phổ biến lại.

Cùng với đó, thông qua các cuộc sinh hoạt cộng đồng, các lớp tập huấn cán bộ Đoàn, Hội, Đội có thể tổ chức cuộc thi sưu tầm và điều khiển trò chơi phục vụ cho từng chủ đề nhất định. Sau đó chọn biên tập lại, nếu có điều kiện thì tổ chức chơi mà mỗi trò chơi đều do người sưu tầm đứng ra làm quản trò.

Bên cạnh đó, tổ chức thi sáng tác trò chơi: Bằng phương pháp đã nêu trên có thể tổ chức cuộc thi sáng tác trò chơi trong cán bộ, đoàn viên, hội viên như: Sáng tác trò chơi phục vụ cho từng đối tượng: thiếu niên, nhi đồng, thanh niên nông thôn, thanh niên trường học, thanh niên quân đội...; Sáng tác trò chơi theo chủ đề gắn với các ngày lễ lớn trong năm, gắn với các vấn đề dân số, sức khoẻ, môi trường và sinh hoạt thường ngày của các bạn trẻ; Sáng tác trò chơi phục vụ cho từng loại hình sinh hoạt như; cắm trại, dã ngoại, CLB gia đình trẻ, CLB ngoại ngữ, CLB toán, thơ...

Mỗi trò chơi khi sáng tác cần tuân thủ những  quy định chặt chẽ; mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của trò chơi, đối tượng, số lượng người chơi, luật chơi và cách tổ chức.

Sau mỗi cuộc thi cần biên tập lại, bổ sung, sửa đổi và phổ biến cho mọi người thông qua chơi thử. Những trò chơi nào đạt yêu cầu đưa ngay vào bộ sưu tập.

Từ một trò chơi đã có trên thực tế, thiết lập nguyên tắc đưa ra nhiều trò chơi khác tương tự.

Ngoài ra, những mẫu chuyện vui, các loại câu đố dân gian hàng ngày là kho tư liệu quý cho chúng ta trong điều hành cuộc chơi. Người quản trò nhất thiết phải có vốn đó để sử dụng khi cần thiết như làm thư giãn cuộc chơi, hay chuyển sang trò chơi trí tuệ (đố vui) hoặc trò chơi mang tính vui chơi dân gian giải trí (thi kể chuyện vui)...

Ngoài những phương pháp trên có thể tận dụng mọi điều kiện, mọi lúc để ghi ghép những kinh nghiệm, tư liệu của người khác mà mình bất chợt gặp hay những ý nghĩ xuất hiện trong đầu.

Nếu quan tâm thường xuyên đến những vấn đề trên bạn sẽ có thể trở thành người quản trò "giàu có" một hành trang không thể thiếu được của người cán bộ thanh thiếu niên hôm nay.

PV
Theo KTDU

Từ khóa: