Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO) tổ chức “Hội thảo giới thiệu mô hình (khu công nghiệp) KCN sinh thái tại Việt Nam” nhằm giới thiệu mô hình, lợi ích và xu hướng phát triển KCN sinh thái trên thế giới cũng như giới thiệu cập nhật khung pháp lý về mô hình KCN sinh thái được quy định tại Dự thảo Nghị định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Hoạt động này của Dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho các bên về mô hình KCN sinh thái trên thế giới và những quy định về phát triển và chuyển đổi mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy sự chuyển đổi các KCN hiện nay theo hướng bền vững hơn, đáp ứng các nhu cầu phát triển mô hình KCN bền vững và góp phần hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (VSDGs) của Chính phủ Việt Nam. Hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN thái toàn cầu” do Bộ Kế Hoạch và Đầu tư và UNIDO đồng thực hiện với mục tiêu “Cải thiện hiệu quả môi trường, kinh tế và xã hội tại Việt Nam thông qua thực hiên phương pháp tiếp cận KCN sinh thái tại các KCN thí điểm lựa chọn và tăng vai trò của các KCN sinh thái trong các chính sách môi trường, công nghiệp và các ngành khác có liên quan ở cấp quốc gia”.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ 30 Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh phía Nam, 80 các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (khu vực phía Nam) và một số tổ chức quốc tế, hiệp hội tại Việt Nam.
Chủ trì Hội thảo, ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh tại Việt Nam đã và đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường. Bên cạnh đó ở quy mô toàn cầu, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững các quốc gia sẽ chuyển đổi và định hướng phát triển bền vững các khu công nghiệp thông qua mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung; hình thành cụm liên kết ngành (cluster) để tối ưu hóa yếu tố sản xuất và thị trường; kết hợp hài hòa, cân đối giữa khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có khu công nghiệp theo hướng bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và mới đây nhất là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên (COP 26) tại Glasgow (Anh) về mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.
Ông Alessandro Flammini, Đại diện UNIDO trụ sở chính phát biểu: “Nhiệm vụ của UNIDO là phối hợp với các cơ quan để hỗ trợ các nước thành viên và nước đang phát triển đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể Dự án này được triển khai để các KCN đảm bảo hiệu quả hiệu suất phát triển kinh tế đồng thời tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe của con người cũng như bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam chúng tôi đang triển khai các hội thảo để nâng cao nhận thức cho các bên và trao các cơ hội phát triển mô hình KCN sinh thái ở một số địa phương. Thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư chúng tôi mong muốn biến kết quả của các hội thảo trở thành những văn bản chính sách và văn bản pháp luật để có thể nhân rộng được mô hình này, tiếp cận hơn 300 KCN tại Việt Nam. Đại dịch COVID-19 đã để lại nhiều hậu quả nhưng nó cũng mở ra nhiều cơ hội để thay đổi và phát triển, và mô hình này cũng là một trong những cơ hội đó.”
Đây là một dự án quan trọng, được xác định bằng việc đẩy mạnh lợi ích của các KCN sinh thái, KCN xanh thông qua cải thiện hoạt động kinh tế, môi trường và xã hội của các doanh nghiệp, để từ đó góp phần phát triển một nền kinh tế bền vững, một nền kinh tế xanh.
PV
Theo KTDU