Sự kiện hot
12 năm trước

Nâng cao thực quyền của Quốc hội

Ngày 4.6, trong phiên thảo luận tại hội trường, Quốc hội (QH) đã bàn những vấn đề trọng tâm nhất để QH có thực quyền hơn: Đó là giám sát và bỏ phiếu tín nhiệm.

Ngày 4.6, trong phiên thảo luận tại hội trường, Quốc hội (QH) đã bàn những vấn đề trọng tâm nhất để QH có thực quyền hơn: Đó là giám sát và bỏ phiếu tín nhiệm.

Cần thực hiện giám sát thường xuyên

Giám sát tối cao là một trong những hoạt động thể hiện quyền lực của QH. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc giám sát của QH chưa thực sự mang lại hiệu quả. Phát biểu về vấn đề này, đại biểu (ĐB) tỉnh Thái Bình Phạm Xuân Thường mô tả việc giám sát của ĐBQH là “Về địa phương nghe nửa ngày, đặt vài câu hỏi, đưa ra mấy ý kiến quý báu...”.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) phát biểu thảo luận.

Ông cho rằng làm như thế là không hiệu quả. ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) thì đề xuất việc lựa chọn điểm giám sát cần tránh những mô hình chỉ toàn tốt đẹp, vì thế sẽ không đánh giá đúng bản chất. ĐB Phùng Đức Tiến nhận xét: “Ví dụ như giám sát về môi trường, chúng ta chỉ đi một vài điểm thì không thể đánh giá hết được mức độ ô nhiễm môi trường của khu vực đó”.

Ông Tiến cũng cho biết, tại hầu hết các cuộc tiếp xúc, cử tri đề nghị cần có giám sát vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như việc giám sát vốn nước ngoài: “Việc giám sát cần có nghị quyết để tránh đánh trống bỏ dùi”. Về chất vấn và trả lời chất vấn, ĐB Tiến đề nghị sau chất vấn, các bộ, ngành cần có báo cáo chứ không để cử tri nói: “Trả lời cứ trả lời nhưng việc thực hiện sau đó thế nào thì không rõ”.

ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cũng nhận xét việc giải quyết hậu giám sát, hậu chất vấn chưa tốt. Để tăng cường hiệu quả sau các phiên chất vấn, ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đề nghị QH cần biểu thị thái độ đồng tình hay không đồng tình sau phần trả lời chất vấn của các vị bộ trưởng.

Ngoài các phiên chất vấn tại hội trường trong các kỳ họp chính thức, ĐB Danh Út (Kiên Giang) đề nghị có thêm ít nhất 2 phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ QH và 1 phiên tại các ủy ban của QH. Ông còn đề nghị ngoài các phiên chất vấn có tính chất định kỳ này, khi có một vấn đề đột xuất gây sự chú ý của đông đảo người dân thì các ủy ban của QH có thể mời lãnh đạo bộ, ngành chức năng đến để giải trình.

Bỏ phiếu tín nhiệm: Khó

Trong đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của QH lần này, vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm được các ĐB đánh giá rất cao, coi như đây là một biện pháp nâng cao quyền lực thực sự của QH, thể hiện chính kiến đối với sự điều hành của các cơ quan, cá nhân do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

“Việc bỏ phiếu tín nhiệm chỉ nên bắt đầu từ cuối năm thứ 2 của nhiệm kỳ, còn việc bỏ phiếu bất tín nhiệm là căn cứ vào những bức xúc của cử tri, của dư luận xã hội”.(Đại biểu Lê Thị Nga)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đã có một bài phát biểu thẳng thắn về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm.

Theo bà Nga, quy định này đã có 10 năm, nhưng suốt 10 năm qua chưa được thực hiện. Tuy pháp luật hiện hành quy định bỏ phiếu tín nhiệm nhưng thực ra là bất tín nhiệm. Nhưng do việc không có tiêu chí bỏ phiếu khiến cho cùng một sự kiện xảy ra, có ĐB thấy cần thiết, có ĐB lại thấy không.

Việc không có tiêu chí cũng khiến bản thân người bị bỏ phiếu cảm thấy bị đánh giá cảm tính. Vấn đề thứ hai liên quan đến con số 20% số ĐB đồng ý.

Theo bà Nga, 20%, có nghĩa là khoảng 100 ĐBQH - cùng lúc đồng ý mới có thể tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm - là điều rất khó xảy ra.

Bà Nga cho rằng, trong điều kiện Đảng giới thiệu đảng viên, ý kiến của các tổ chức Đảng là rất quan trọng. Vì thế, nếu không xây dựng mối quan hệ giữa đảng đoàn QH với các Đảng đoàn khác thì việc bỏ phiếu tín nhiệm tại QH hầu như khó thực hiện và không hiệu quả. Bà Nga nhấn mạnh đến việc cần có 2 hình thức là bỏ phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Anh Đào
theo Dân Việt

Từ khóa: