Sự kiện hot
2 năm trước

Nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Hiện nay, có tới hơn 53% doanh nghiệp không có mục tiêu rõ ràng khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, điều này đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn cần phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khác về công nghệ, đào tạo lao động để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Picture 1

Tại diễn đàn đa phương (MSF) 2022 với chủ đề "Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và trách nhiệm tra soát" được Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cùng Samsung Việt Nam phối hợp tổ chức vào chiều ngày 19/10.

Ông Lương Minh Huân - Viện trưởng, Viện Phát triển doanh nghiệp (EDF), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, Có tới hơn 51% đến từ việc tiêu thụ sản phẩm từ bên ngoài và chỉ có 11% đến từ việc cung cấp sản phẩm ra bên ngoài cho chuỗi cung ứng.

Đáng chú ý, hơn một nửa doanh nghiệp khảo sát trả lời (53,3%) không đặt mục tiêu gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tức là thiếu định hướng rõ ràng.

Những mục tiêu doanh nghiệp đặt ra chỉ nằm ở ý tưởng, mong muốn chứ chưa đi vào thực thi, khi có tới 64,7% chưa có sự chuẩn bị gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, với độ mở cửa lớn và hội nhập sâu rộng, kinh nghiệm tham gia xuất nhập khẩu lâu năm, tình trạng thiếu chủ động, thiếu sự chuẩn bị của doanh nghiệp như hiện nay cho thấy việc tận dụng cơ hội để tạo ra bước nhảy vọt là khó khăn.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, dường như doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung những khía cạnh thuộc "phần ngọn" của vấn đề, hơn là tập trung giải quyết các khía cạnh tiền đề, thuộc về năng lực nền tảng, tạo tác động dài hạn như xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực, làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng kết nối mạng lưới, tăng cường đáp ứng quy chuẩn và quản trị rủi ro…

Trước những khó khăn nêu trên, đại diện nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra các khuyến nghị như: Đối với Nhà nước; Cần có sự phối kết hợp đồng bộ giữa các bên trong việc xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; thực thi một cách đầy đủ và kịp thời các các giải pháp về nâng cao năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; cần làm tốt hơn công tác đánh giá tác động của chính sách, từ đó xác định và điều chỉnh các nội dung chính sách cũng như đề xuất các chương trình cải cách trong tương lai; xây dựng nền tảng để giúp các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu: công nghiệp hỗ trợ, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ,...

Đối với các doanh nghiệp: Cần chủ động hơn trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: xây dựng chiến lược, mục tiêu và kế hoạch thực hiện; có kế hoạch phân bổ nguồn lực hợp lý cho nâng cao năng lực, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là năng lực đổi mới sáng tạo và thích ứng; ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, cần tận dụng nhiều hơn các hỗ trợ từ các đối tác khác nhau: DN doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế; các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp khác về công nghệ, đào tạo lao động để giúp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đối với với các HHDN và các tổ chức hỗ trợ khác: Cần phát huy hơn nữa vai trò kết nối: giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành, giữa các doanh nghiệp trong các ngành, giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế; tăng cường năng lực hoặc kết hợp với các tổ chức khác để thực hiện các nghiên cứu thị trường để cung cấp thông tin về ngành, công nghệ cho các doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức các chương trình đào tạo tập huấn giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, nhất là các cấu thành của năng lực động; phát huy vai trò cầu nối để thúc đẩy hợp tác đa phương để nâng cao năng lực, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Ông Choi Joo Ho, Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, từ năm 2015 cho đến nay, Samsung Việt Nam đã và đang phối hợp cùng với Bộ Công Thương Việt Nam để cải thiện năng lực cạnh tranh trong sản xuất cũng như chất lượng thông qua việc cử các chuyên gia có kinh nghiệm đến Việt Nam hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước. 

Ngoài ra, Samsung cũng đang thúc đẩy mở rộng sự tham gia của các nhà cung ứng trong nước vào chuỗi cung ứng của Samsung và tiếp tục nỗ lực đảm bảo những nhân viên được làm việc trong môi trường tôn trọng, an toàn, đảm bảo về bình đẳng giới, tuân thủ các luật pháp về lao động và nhân quyền dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau không chỉ trong nội bộ các pháp nhân của Samsung mà còn với các nhà cung ứng của Samsung. 

Cũng tại hội nghị, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết, việc lựa chọn 06 ngành ưu tiên phát triển tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm: dệt may, da giày, điện tử, ô tô, cơ khí và công nghệ cao đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ về việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp của Việt Nam. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc lựa chọn 06 ngành ưu tiên phát triển trên là tín hiệu, cơ sở để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng trong lĩnh vực nêu trên. Đặc biệt, tăng cường thúc đẩy các doanh nghiệp FDI đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu - Phó Cục trưởng cho biết thêm.

Picture 2
Thứ trưởng Bộ Công thương - Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị

Trước những thách thức về biến đổi khí hậu và yêu cầu của người tiêu dùng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở thị trường các nước phát triển, xu thế phát triển bền vững, sử dụng nguồn lực hiệu quả, và trách nhiệm tra soát… đang trở thành xu thế tất yếu của ngành công nghiệp toàn cầu trong giai đoạn tới. Ngoài nhu cầu sản xuất nhanh hơn, chi phí thấp hơn, chất lượng tốt hơn, thì ngày nay sản xuất còn phải đảm bảo có trách nhiệm hơn với môi trường và con người. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với các sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Việt Nam, vốn chủ yếu mang tính chất gia công, giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, chưa tiếp cận được về chuyển đổi số hướng đến sản xuất thông minh.

“Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn; giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu… dần hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới”- Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trưởng khẳng định, với sự đồng lòng và quyết tâm của Chính phủ, các tổ chức, các hiệp hội và các doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được phát triển mạnh mẽ, từng bước gia tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, giúp ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng và công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung sẽ phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế. “Qua đó, thực hiện mục tiêu được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: