Sự kiện hot
4 năm trước

Năng lượng sinh khối: Cần cơ chế thúc đẩy đầu tư

Với đặc thù là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng lớn trong khai thác năng lượng sinh khối. Việc làm này mang lại lợi ích kép cho quốc gia không chỉ giúp giảm bớt các chất thải ra môi trường mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, các chính sách và quản lý hiện nay chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Báo cáo Đồng đốt sinh khối và các kịch bản về tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo đến 2030 của Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET) công bố vào tháng 5/2020 cho biết  nguồn sinh khối Việt Nam đủ để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong trường hợp công nghệ đồng đốt được ứng dụng tại tất cả các nhà máy nhiệt điện than đến năm 2030. Tính trên lý thuyết, nguồn sinh khối có thể cung cấp khoảng 150TWh/năm, tương đương với 72% mức tiêu thụ điện năng của cả nước trong năm 2019. Một tính toán khác từ Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP) chỉ ra rõ hơn, tiềm năng  điện lý thuyết quy đổi từ 19,02 triệu tấn gỗ sinh khối là 77,42 GWh; từ 5,07 triệu tấn bã mía là 10,9GWh; từ 7,65 triệu tấn trấu công nghiệp là 26,67 GWh; từ 26,98 triệu tấn rơm rạ là 87,78 GWh...

Tiềm năng là thế, tuy nhiên việc phát triển năng lượng sinh học rất khó khăn. “FIT (Feed in Tariff - là biểu giá cố định mà Bên mua điện phải trả cho Bên bán điện) cho điện sinh khối ra đời từ năm 2014 tuy nhiên đến 2020 không có một dự án điện sinh khối nào được phát triển thêm”, bà Lê Thị Thoa - Chuyên viên cấp cao Dự án bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững (BEM) cho biết.

Tính đến tháng 5/2020 cả nước mới có 10 nhà máy năng lượng sinh học với công suất cài đặt 377,6 MW và chỉ có 202 MW được hòa vào điện lưới chiếm 0,57% tổng công suất điện của các loại nhà máy điện. Đáng nói quy mô điện sinh khối hiện nay chủ yếu  phụ thuộc vào các nhà máy đường, trong khi đó công suất các nhà máy này đang giảm rất nhiều qua hàng năm. Đặc biệt, từ năm 2020, ngành đường gia nhập Atiga không còn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và chỉ sau một năm 39 nhà máy mía đường trải dài  trên khắp cả nước đã chết lâm sàng một nửa, nhiều người dân phá mía chuyển đổi cây trồng.

Một khó khăn khác được các doanh nghiệp và các chuyên gia chỉ ra đó chính là giá FIT của điện sinh khối không hấp dẫn. Bà Thoa cho biết, khi tính chi phí đầu tư điện sinh khối với điện mặt trời, điện gió trên bờ là tương đương. Đáng nói là điện gió không phải mua nguồn nguyên liệu, còn điện sinh khối vừa phải mua nguyên vật liệu vừa phải vận chuyển song FIT cho điện sinh học chỉ có 5,8cent/kwh, trong khi đó điện gió ngay lúc đầu là 7,8cen/kwh. Điện mặt trời cũng không phải mua nguyên liệu nhưng giá FIT cũng cao hơn điện sinh khối. Tháng 3/2020, Chính phủ đã cân nhắc điều chỉnh giá cho điện sinh khối lên 7,03 cent/kwh, nhưng vẫn là mức giá thấp so với điện gió là 8,5cent/kwh và điện mặt trời là 9,35 cent/kwh.

Hơn thế, trên thế giới khi tính giá cho điện sinh khối hầu hết tính theo dải công suất, gam công suất, còn Việt Nam lại tính theo công nghệ: dự án đồng phát nhiệt - điện; dự án không phải là dự án đồng phát nhiệt - điện. Trong khi đó, công nghệ luôn thay đổi. “Thực tế cho thấy có những dự án sinh học vào Việt Nam, nhà đầu tư muốn áp dụng theo cả hai công nghệ, nhưng chính sách của mình không có khuyến khích, nên các nhà máy sinh khối gặp rất nhiều khó khăn”, bà Thoa cho biết.

Một khó khăn lớn khác là năng lực địa phương trong việc cấp quy trình hay phê duyệt các dự án điện sinh khối. Vì điện sinh khối khác điện mặt trời và điện gió cần sự  can thiệp của 2 bộ ngành và 2 sở ban ngành đó là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương. “Tuy nhiên, làm việc ở cấp chính phủ và cấp địa phương cho thấy chưa bao giờ hai bên này ngồi lại với nhau để xem xét rà soát lại quy hoạch nguồn sinh khối, vùng sinh khối này”, bà Thoa chỉ ra.

Điều này cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến một khó khăn khác là nhà đầu tư khi tiếp cận với các chuyên gia để đánh giá tiềm năng các dự án năng lượng sinh học rất khó khăn khi vùng nguyên liệu rải rác ở nhiều tỉnh gần nhau, sự tìm kiếm, phối hợp giữa các sở ban ngành, các tỉnh còn chưa chặt chẽ.

Khó khăn cuối cùng đó là năng lực của cơ quan tài chính trong việc đánh giá dự án năng lượng sinh học và không tiếp cận được cơ chế tài chính phù hợp. Ví dụ như dự án điện sinh khối ở Quảng Bình phát triển từ năm 2014 đến nay nhưng vì công suất chỉ có 7MW quá nhỏ nên khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng, hơn thế nếu có cho vay thì chi phí giao dịch và quản lý lớn dẫn đến lãi suất cho dự án điện sinh khối cũng rất cao so với điện mặt trời và điện gió.

Đây là những vấn đề cần tháo gỡ để Việt Nam có thể tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu theo Quy hoạch điện VIII tới đây cũng như Chiến lược Phát triển Năng lượng Tái tạo Việt Nam với mục tiêu tổng năng lượng sinh khối được sử dụng đạt khoảng 32,2 triệu TOE vào năm 2030 và 62,5 triệu TOE vào năm 2050, góp phần cân bằng được tỷ trọng các nguồn năng lượng táo tạo trong tổng sơ đồ hệ thống điện Việt Nam.

Hoa Hạ
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: