Chiều 23/10, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014,
Chiều 23/10, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014, nhiều đại biểu khẳng định việc nâng trần bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% GDP là cần thiết để phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề kỳ họp, ông Nguyễn Đình Quyền, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng ngân sách Nhà nước năm 2013 hết sức lo ngại trong bối cảnh hụt thu ngân sách lớn, thất thu so với dự toán trên 63.000 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên hụt thu ngân sách lớn đến như vậy. Vì vậy, việc nâng bội chi ngân sách từ 4,8% tăng lên 5,3% GDP là cần thiết để dành cho đầu tư bởi vì, bội chi ngân sách là bội chi để phát triển chứ không phải bội chi để bù đắp tiêu dùng.
Tuy nhiên, ông Quyền lo ngại mức bội chi 5,3% là không đủ ngưỡng để trang trải các dư nợ và đầu tư phát triển mà phải lên tới 5,8-6,2% thì mới đủ để chuyển trả nợ trên dư nợ công, dư nợ chính phủ, dư nợ quốc gia và chuyển một số nguồn lực để phát triển. Vì vậy, theo ông Quyền, dư nợ công, dư nợ chính phủ, dư nợ quốc gia trong báo cáo của Chính phủ cần rà soát để có con số chính xác, trung thực, từ đó có giải pháp khắc phục dư nợ. Bảo lãnh tín chấp của Chính phủ phải được rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm ngưỡng nợ công không vượt quá trần để đảm bảo an toàn cho thu chi ngân sách nhà nước và làm lành mạnh hóa ngân sách nhà nước năm 2014.
Ông Quyền cho biết trong điều kiện nền kinh tế hụt thu ngân sách do tăng trưởng kém, đầu tư dàn trải nhưng nguyên nhân lớn là các cơ quan Nhà nước chưa tăng cường truy thu thuế và việc trốn lậu thuế do gửi giá vẫn tồn tại. Đặc biệt, trên 14.000 tỷ đồng là nợ thuế giá trị gia tăng, điều này chưa từng có trong lịch sử. Điều này cũng cho thấy công tác quản lý có vấn đề, vấn đề trốn lậu thuế cũng chưa được cơ quan nhà nước có giải pháp để đối tượng hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Ngoài ra, công tác quản lý có nhiều bất cập như đầu tư dàn trải, lãng phí không theo chủ trương, chỉ đạo, nhiều dự án không cân đối được nguồn lực thể hiện kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Vì vậy, cần chấn chỉnh ở tất cả các khâu từ duyệt dự án, lập dự án, cấp bổ sung kinh phí cho các dự án đầu tư phát triển...
Trong khi đó, đại biểu Trần Ngọc Vinh, Đoàn đại biểu quốc hội Hải Phòng, nhận định Quốc hội đã đánh giá rất kỹ, công khai minh bạch, đặc biệt đánh giá nguồn thu để trên cơ sở nguồn thu phân bổ cho các ngành để phát triển kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ cũng đặt vấn đề bội chi ngân sách 4,8% hiện nay lên 5,3% GDP (xấp xỉ khoảng 1 tỷ USD) trong năm 2013 và 2014 để giải quyết một số công trình dở dang và hạ tầng cơ sở.
Phát biểu với phóng viên TTXVN, đại biểu Trần Ngọc Vinh khẳng định việc nâng tỷ lệ bội chi ngân sách là cần thiết vì tỷ lệ bội chi 5,3% vẫn đặt trong ngưỡng an toàn tổng thu của Việt Nam. Bội chi là tiền vay nhưng nếu không đồng ý phương án bội chi, một số công trình dở dang không phát huy tác dụng. Hiện tại, các công trình đã thực hiện được quá nửa thậm chí 2/3 nên cần phải đầu tư tiếp để đưa vào khai thác và phát huy tác dụng, đảm bảo cho phát triển kinh tế.
Cũng theo ông Vinh, lần này, Quốc hội đã rà soát kỹ và tương đối đồng thuận chỉ có điều khi mức bội chi được nâng lên phải kiểm tra giám sát chặt chẽ việc thực hiện ngân sách để phát huy hiệu quả.
"Nếu quá trình triển khai phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm túc và phải có chế tài mạnh để xử lý, đặc biệt là chi tiêu công. Việc tăng bội chi thực chất là nợ chồng nợ nhưng Việt Nam không chấp nhận nợ chồng nợ thì không thể phát triển được," ông Vinh nói.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh trong điều kiện hiện nay, để đầu tư cho phát triển, việc nợ chồng nợ để nâng trần bội chi là cần thiết nhưng phải thực hiện trong thời gian rất ngắn. Sau đó, cần phải hạ bội chi xuống 4-4,5% để bù đắp lại 2 năm bội chi, Việt Nam mới đảm bảo lành mạnh ngân sách.
Thu Hà
theo TTXVN