TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên cho phép tỷ giá biến động trong giới hạn 3%, đồng thời thực hiện tiếp việc hạ lãi suất huy động xuống còn 7%.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên cho phép tỷ giá biến động trong giới hạn 3%, đồng thời thực hiện tiếp việc hạ lãi suất huy động xuống còn 7%.
Việc điều chỉnh tỷ giá nên thực hiện ngay trong quý I còn hạ lãi suất nên làm trong quý II.
TS Nguyễn Trí Hiếu.
Tỷ giá nên tăng 3%
Nhiều ý kiến thời gian qua cho rằng việc giữ tỷ giá ổn định trong gần hai năm qua như chiếc thòng lọng đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ông có ý kiến gì về việc này?
Năm 2012 tỷ giá bình quân liên ngân hàng được NHNN chủ động giữ ổn định ở mức 20.828 VND/USD.
Cùng với đó, tỷ giá trên thị trường chính thức ổn định quanh mức 20.850 VND/USD, mặc dù ở một số thời điểm trong năm xuất hiện vài đợt sóng ngắn, đưa tỷ giá lên mức 20.820 VND - 21.295 VND/USD mua vào/bán ra.
Những lo ngại của giới phân tích đầu năm 2012 rằng, tỷ giá sẽ phải điều chỉnh rất mạnh, phải tăng giá khoảng 8% - 10% so với USD cũng đã không xảy ra.
Tỷ giá ổn định trong thời gian khá dài có lợi cho nhập khẩu nhưng lại gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Điều này một phần do biến động tỷ giá (năm 2012 ở mức 1%) thấp hơn lạm phát (ở mức 6,8%) nhiều lần.
Bên cạnh các yếu tố trên, tỷ giá ổn định cũng giúp tạo lòng tin của người dân vào sự ổn định của đồng tiền Việt Nam. Đây là điều rất quan trọng trong nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh số doanh nghiệp giải thể lên tới 50.000 đơn vị, số doanh nghiệp gặp khó khăn do không tiếp cận được vốn rất lớn, lao động thất nghiệp tăng cao.
Sang năm 2013, tỷ giá sẽ tiếp tục được giữ ở mức ổn định nếu một số điều kiện vĩ mô không thay đổi nhiều. Nếu lạm phát tăng trở lại trên mức 10%, chắc chắn sẽ có tác động rất xấu tới tỷ giá.
Tôi cho rằng, NHNN không nên phá giá đồng tiền mà nên cho phép tỷ giá biến động trong giới hạn 3% trong năm nay.
Điều này đồng nghĩa NHNN không can thiệp vào thị trường hối đoái mà để nền kinh tế tự điều chỉnh. Việc phá giá đồng tiền có lợi ngay cho xuất khẩu nhưng lại tạo sự bất ổn về tâm lý, làm giảm lòng tin.
Khi tỷ giá được điều chỉnh, ngay cả khi ở trong mức 3% đặt ra, vẫn có tác dụng phụ, như khiến chi phí nhập khẩu hàng hóa vào nước ta tăng lên, ảnh hưởng nhất định đến lạm phát. Nhưng không thể có liều thuốc nào có thể trị được mọi loại bệnh và giúp mọi thành phần của nền kinh tế khỏe mạnh được.
Việc điều chỉnh này, theo ông, thực hiện vào thời điểm nào là tốt nhất?
Việc điều chỉnh, theo tôi, càng sớm càng tốt, không nên chờ đợi. Trong quý I này có nhiều điểm thuận lợi cho việc điều chỉnh, không nên để sang quý II vì đây là thời điểm doanh nghiệp bắt đầu có kế hoạch nhập khẩu nhiều cũng như cần thực hiện đẩy mạnh xuất khẩu hơn.
Có ý kiến cho rằng, đồng tiền Việt Nam đang bị định giá quá cao, tới 20%-21% so với USD?
Rất khó có thể định được chính xác đồng Việt Nam cao bao nhiêu phần trăm so với USD dù thực tế đồng Việt Nam đang bị định giá cao, nếu tính theo lý thuyết tương đồng giữa các đồng bạc. Còn nếu để thả nổi trên thị trường thế giới, giá trị đồng Việt Nam sẽ thấp hơn nhiều so với giá trị hiện tại.
Hạ lãi suất xuống 10% để cứu doanh nghiệp
Việc điều chỉnh tỷ giá năm 2013 được chuyên gia khuyến cáo sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Việc điều chỉnh tỉ giá này, nếu có xảy ra sẽ tác động thế nào đến vấn đề lãi suất và lạm phát của năm nay?
Lãi suất là vấn đề hết sức phức tạp. Tôi theo quan điểm phải hạ lãi suất xuống thấp hơn nữa để cứu các doanh nghiệp, dù việc hạ lãi suất xuống sẽ gây tác động đến lạm phát do lượng tiền đưa vào lưu thông sẽ tăng lên.
Nhưng với tình trạng nền kinh tế như hiện nay, chưa chắc đã có sự tác động mạnh với lạm phát như lý thuyết nếu lãi suất hạ xuống. Điểm thứ nhất các ngân hàng hết sức dè dặt với việc cho vay, cấp tín dụng cho các doanh nghiệp.
Hơn nữa, hàng tồn kho cao, sức cầu hàng hóa yếu, nợ xấu cao cũng là nguyên nhân khiến không có chuyện doanh nghiệp ồ ạt vay tiền ngân hàng.
Theo ông mức lãi suất nên giảm xuống bao nhiêu và thời điểm nào là hợp lý để tiếp tục hạ lãi suất?
Theo tôi năm nay lãi suất cho vay chung nên giảm xuống 10% và lãi suất huy động chỉ còn 7%. Nhưng để làm được điều này, lạm phát phải giảm xuống mức 5%.
Đây là việc không dễ làm trong bối cảnh chỉ số CPI tháng đầu tiên của năm 2013 đã tăng mạnh ở mức 1,25%. Nếu cộng với cả tháng Tết thì CPI 2 tháng đầu năm có thể lên tới 2,5%. Nên việc đẩy lạm phát xuống mức 5% cho cả năm nay là việc rất khó.
Điều chỉnh tỷ giá có thể thực hiện ngay trong quý I còn hạ lãi suất có thể xem xét thực hiện trong quý II, do quý đầu tiên của năm thường là thời điểm chưa thể định hình được nền kinh tế cả năm với các diễn biến như lạm phát bao nhiêu, tác động của thị trường thế giới thế nào... Vì vậy, quý II sẽ là thời điểm tốt nhất để điều chỉnh lãi suất.
Cảm ơn ông!
Nên phá giá tiền đồng khoảng 3-4%
Tại Hội thảo khoa học “Rủi ro kinh tế vĩ mô và tầm nhìn chính sách năm 2013” tổ chức cuối tháng 1 vừa qua, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu Kinh tế (VEPR) cho rằng, để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, cần nỗ lực giảm lãi suất cho vay ra và tiếp tục cung ứng tín dụng ổn định.
Cùng đó cần thực hiện phương án chủ động phá giá tiền đồng (VND) khoảng 3-4% trong cả năm, thông qua một số bước với biên độ 1-1,5%, để hỗ trợ xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu.
Việc phá giá VND sẽ khiến nhập khẩu hàng tiêu dùng bị hạn chế, do giá đắt lên, đồng thời khuyến khích sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu. Còn với hàng nhập khẩu là nguyên liệu sản xuất, tuy giá nhập khẩu có đắt lên, nhưng khi thành hàng xuất khẩu, thì bao giờ cũng được cộng thêm giá trị gia tăng. Do đó, phá giá VND là rất cần thiết.
|
Phạm Tuyên
theo Tiền phong