Sự kiện hot
12 năm trước

Nền kinh tế trả lãi ngân hàng bao nhiêu tỷ USD?

Mới đây, TS Trần Du Lịch cho biết, “mỗi năm nền kinh tế phải trả lãi cho ngân hàng 20 tỷ USD”, khiến nhiều người giật mình. Tiền Phong trao đổi với ông Phạm Xuân Hòe, chuyên gia ngân hàng về vấn đề này.

Mới đây, TS Trần Du Lịch cho biết, “mỗi năm nền kinh tế phải trả lãi cho ngân hàng 20 tỷ USD”, khiến nhiều người giật mình. Tiền Phong trao đổi với ông Phạm Xuân Hòe, chuyên gia ngân hàng về vấn đề này.


Ảnh minh họa.

Có ý kiến cho rằng “với tổng dư nợ tín dụng hiện nay là 2,7 triệu tỷ đồng, lãi suất 15%/năm, thì doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phải trả lãi cho ngân hàng gần 20 tỷ USD, tương đương 1/6 GDP. Theo ông điều đó có đúng không?

Để đưa ra nhận định như vậy, chúng ta cần phải có chứng cứ xác thực. Cách tính toán như một chuyên gia nào đó nói chỉ là số học đơn thuần. Trong thống kê kinh tế hoặc toán xác suất dành cho kinh tế, chúng ta phải tính toán theo phương pháp bình quân giá quyền.

Theo website của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), danh mục tín dụng của hệ thống ngân hàng có cơ cấu các mức lãi suất gồm: Tỷ trọng dư nợ có mức lãi suất (LS) dưới 10% một năm, tạm tính là lãi suất 9,5% một năm, nhóm dư nợ này hiện chiếm 9,5% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế (tương đương 256,5 nghìn tỷ đồng). Như vậy, tính ra số lãi mà khách hàng trả cho tổ chức tín dụng (TCTD) là 2.436 tỷ đồng.

Tương tự như vậy, tỷ trọng dư nợ cho vay với mức LS từ 10% - 13% một năm (LS bình quân 12% một năm), chiếm tỷ trọng 28%, tương đương 777,6 nghìn tỷ đồng. Tính ra, LS khách hàng trả cho TCTD của khoản mục dư nơ ở mức lãi suất này là 93,312 nghìn tỷ đồng.

Lớn nhất là số dư nợ cho vay ở mức LS từ 13% - 15% một năm (LS bình quân 14% một năm), chiếm tỷ trọng 43,6%, tương đương 1.777,2 ngàn tỷ đồng. Tính số lãi khách hàng trả cho TCTD là 164,080 nghìn tỷ đồng. Số dư nợ còn lại (18,1%), tương đương 488,7 nghìn tỷ đồng, có mức LS trên 15% một năm. Tạm tính ở mức 16% một năm thì số lãi khách hàng trả cho ngân hàng là 78,192 ngàn tỷ đồng.

Từ tính toán trên cơ cấu dư nợ theo mức lãi suất cho vay ở trên tổng hợp lại với dư nợ 2,7 triệu tỷ, thì tổng số lãi tính theo phương pháp gia quyền mà khách hàng trả cho TCTD sẽ là 260,556 ngàn tỷ đồng, tương đương 13 tỷ USD, không phải 20 tỷ USD như ý kiến một chuyên gia đã nêu.

Ngay cả con số này, trên thực tế doanh thu tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ không đạt được như vậy, mà phải trừ tiếp đi số dư nợ được xếp nhóm nợ xấu.

Cứ theo số liệu mới nhất được NHNN công bố khoảng 6% thì dư nợ xấu khoảng 162 ngàn tỷ, nếu lãi suất bình quân cho vay 11% một năm thì thực tế ngân hàng còn đang trông chờ các cấp các ngành vào cuộc để mong thu được tiền vốn gốc thì lấy đâu có thể thu được 17,82 ngàn tỷ đồng lãi từ đống nợ xấu này (162 ngàn tỷ x 11% một năm = 17,82 ngàn tỷ). Chưa kể chúng ta còn trừ tiếp khoản nợ, khoản lãi được cơ cấu lại thời hạn trả thì thực tế doanh thu thực thu được của TCTD còn thấp hơn nhiều.

Xin nhắc lại là con số (260,5 ngàn tỷ - 17,82 ngàn tỷ) chỉ tương đương khoảng 12 tỷ USD là doanh thu từ hoạt động cho vay của các TCTD.

Theo ông, doanh thu từ lãi vay đó có phải ngân hàng hưởng hết không?

Nếu được hưởng như vậy thì cả xã hội lao vào kinh doanh ngân hàng hết. Xin thưa đó chỉ là doanh thu từ sản phẩm cho vay của ngân hàng. Để có dư nợ cho vay trên, các ngân hàng phải huy động từ doanh nghiệp, người gửi tiền nhàn rỗi.

Số lãi mà nền kinh tế trả cho ngân hàng theo tính toán trên còn phải trừ tiếp các khoản sau: Trước hết, ngân hàng phải trả cho người gửi tiền với các mức LS như hiện nay 2,4% một năm tiền gửi không kỳ hạn, lãi suất kỳ hạn từ 1 - 12 tháng là 8% một năm, tiền gửi trên 12 tháng khoảng 10% một năm. Từ phần lãi tiền vay thu từ khách hàng (hay nói cách khác là thu từ nền kinh tế), ngân hàng phải hoàn trả lãi đầy đủ cho người gửi (không thiếu một xu).

Với cơ cấu tiền gửi của hệ thống ngân hàng hiện nay, tạm tính cả phí dự trữ bắt buộc, chi phí thiết kế sản phẩm, khấu hao trụ sở…. thì mức bình quân LS mà ngân hàng trả cho người gửi tiền lên đến 8,5%/ năm.

Từ tính toán trên, ta cũng sẽ có LS đầu ra bình quân khoảng 11 - 12% một năm. Phần chênh lệch LS đầu ra đầu khoảng 2,5% đến 3,5% một năm mới gọi là phần ngân hàng thu về.

Để có nguồn vốn cân đối để cho vay ra được 2,7 triệu tỷ đồng thì TCTD cũng phải huy động động nguốn vốn tương ứng và tính ra TCTD phải trả lãi cho người gửi tiền với mức lãi suất bình quân 8,5% sẽ là 229,5 ngàn tỷ đồng, tương đương 11 tỷ USD.

Thực chất, lãi mà nền kinh tế trả cho ngân hàng là để ngân hàng với vai trò trung gian trả cho người gửi tiền 11 tỷ USD. Câu truyện ở đây nếu không hiểu đúng bản chất, thì thật oan uổng cho hệ thống ngân hàng đang cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, và cũng là tháo gỡ cho chính họ.

Một vấn đề cũng cần phải tính đến là phần trích lập dự phòng rủi ro, lương cán bộ của ngân hàng. Như vậy, phần lãi sẽ còn không đáng kể. Điều này sẽ cho ta thấy tại sao lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2012 giảm thê thảm, vì thu nhập từ tín dụng vẫn chiếm tới 90%.

Hiện nay, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng đều rất rủi ro, vì vậy gửi ngân hàng là tốt nhất. Không phải tự nhiên mà từ người dân, doanh nghiệp dư dả về vốn, các hang bảo hiệm, nắm giữ vốn đều gửi vào ngân hàng..

Một số ý kiến cho rằng thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã tốt, bên nguồn đã có dư thừa là cơ hội để hạ lãi suất tiền vay, ông thấy thế nào?

Trên thực tế, như tôi vừa đưa ra tính toán, LS cho vay bình quân của toàn ngành ngân hàng hiện nay chỉ còn khoảng 11% - 12%. Nhiều ngân hàng thương mại đang căng thẳng đôn đáo đi tìm khách hàng để cho vay nhưng không thấy. Vấn đề là các doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả hay không? Có tìm được đầu ra hay không?.

Tổng cầu của nền kinh tế vẫn ở mức thấp, đặc biệt lòng tin của thị trường chưa được cải thiện thì chúng ta còn đối mặt nhiều khó khăn cần giải quyết.

Nếu chúng ta vẫn chỉ trông mong vào một nhóm giải pháp từ điều hành chính sách tiền tệ, thì tôi e rất khó khắc phục căn bệnh 2 năm lạm phát cao, sau khi áp dụng loạt biện pháp thắt chặt thì kinh tế lại khó khăn, sau đó lại nới lỏng chính sách vĩ mô để hỗ trợ thị trường.

Như nhận định của Chinh phủ thì nguy cơ lạm phát cao quay trở lại cũng chưa thể loại trừ, nếu kỳ vọng lạm phát ở mức xoay quanh 7% thì dư địa cho hạ lãi suất tiền gửi là rất hạn hẹp cần phải rất thận trọng.

Chỉ thị 01/CT-NHNN, ngày 31/1/2013 của Thống đốc NHNN đã yêu cầu TCTD tiết giảm chi phí để có cơ sở hạ lãi suất cho vay và trên thực tế hàng loạt gói tín dụng lãi suất thấp của Vietcombank, Vietinbank, BIDV đã được các ngân hàng này đưa ra.

Tôi cho rằng, để nghị quyết 01, 02 của Chinh phủ phát huy hiệu quả thì tính đồng bộ quyết liệt của các giải pháp phải được đề cao hơn, mạnh mẽ hơn để tạo ra sự chuyển biến thực sự về chất của nền kinh tế chứ không nên khai thác quá mức ở một nhóm giải pháp nào đó.

Xin cảm ơn ông!

N.Anh
theo TPO

Từ khóa: