Sự kiện hot
12 năm trước

“Nên miễn trách nhiệm hình sự cho người đưa hối lộ...”

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Thị Nga nói với các phóng viên như vậy trong cuộc trao đổi sáng 1.11.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Thị Nga nói với các phóng viên như vậy trong cuộc trao đổi sáng 1.11.

Trong công tác thanh, kiểm tra, chúng ta đã có những quy định chi tiết, điều luật cụ thể để đảm bảo tính hiệu lực cần thiết của chủ thể thanh tra đối với chủ thể quản lý nhà nước, nhưng quá trình thực hiện vẫn không tuân thủ nghiêm?

- Tôi thấy hoàn toàn đúng. Có thể nêu ví dụ: Trường hợp thanh tra Ngân hàng Đầu tư - Phát triển vừa rồi, việc vi phạm về thời hạn ra kết luận thanh tra lâu hơn gần chục lần so với quy định. Hay như nếu xem xét kết luận thanh tra về Vinalines có thể thấy rõ Thanh tra Chính phủ đã không làm hết thẩm quyền trong việc xác định trách nhiệm. Ở đây trách nhiệm được quy gần hết cho doanh nghiệp, nhưng trách nhiệm của quản lý nhà nước không thấy chỉ rõ.

Luật Thanh tra cũng quy định rõ trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra có thẩm quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để đảm bảo cho quá trình thanh tra được tiến hành. Vậy tại sao trong quá trình thanh tra, đối tượng bị thanh tra lại được điều chuyển sang cơ quan khác mà thanh tra không có ý kiến gì với chủ thể quản lý, ảnh hưởng đến quá trình thanh tra, mà trường hợp Dương Chí Dũng là một ví dụ cụ thể.

Về công tác phòng chống tham nhũng, đặc biệt là với tội danh đưa hối lộ, có người cho rằng nên miễn hoàn toàn tội danh này thì mới khuyến khích việc tố giác hối lộ?

- Hiện ta đang chặn cả hai đầu, vừa xử lý người nhận hối lộ, đồng thời xử lý người đưa hối lộ, điều khoản về miễn trách nhiệm nếu chủ động phát giác vẫn còn rất nhỏ và hẹp dẫn đến tình trạng người đưa hối lộ nếu tố cáo sẽ đồng thời tố cáo chính mình. Tôi từng đề xuất QH một vài lần là trong tình hình hiện nay, nên miễn trách nhiệm hình sự hoàn toàn cho người đưa hối lộ thì mới xử lý được người nhận hối lộ. Cũng cần hỏi tại sao dân đưa hối lộ, nếu không phải bị nhũng nhiễu, gây khó dễ...

Việc xử án treo với tội phạm tham nhũng vẫn còn khiến nhiều người không đồng tình, bà nghĩ thế nào về việc này?

- Tôi thấy Bộ luật Hình sự có sơ hở ở chỗ: Chủ thể của tội tham nhũng là chủ thể đặc biệt, chỉ có người có chức vụ quyền hạn mới tham nhũng được. Trong khi đó, điều kiện hưởng án treo là bị phạt tù không quá 3 năm, có tình tiết giảm nhẹ và có nhân thân tốt. Rõ ràng người có chức vụ quyền hạn theo lý lịch đều có nhân thân tốt, chưa kể lại có nhiều thành tích, huân huy chương… Như vậy chúng ta đang mâu thuẫn ở chỗ vừa trừng trị chủ thể đặc biệt ấy, vừa lấy đặc điểm của chủ thể ấy ra để giảm tội và cho hưởng án treo.

Hải Phong
theo Dân Việt

Từ khóa: