Những lo ngại về hành vi lách cơ cấu kỳ hạn tiền gửi đang dần hiện hữu, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành chính sách cho khách hàng được tự do thỏa thuận lãi suất (LS) với ngân hàng thương mại (NHTM) nếu gửi tiền kỳ hạn trên 1 năm.
Những lo ngại về hành vi lách cơ cấu kỳ hạn tiền gửi đang dần hiện hữu, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành chính sách cho khách hàng được tự do thỏa thuận lãi suất (LS) với ngân hàng thương mại (NHTM) nếu gửi tiền kỳ hạn trên 1 năm.
NHNN cần xử lý nghiêm các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất của
các NH - Ảnh: Diệp Đức Minh
Thị trường tiền tệ, thị trường vốn, cũng như mọi loại thị trường sẽ hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ lợi ích chính đáng cho mọi thành viên tham gia chỉ khi nào được vận hành một cách minh bạch, có trật tự, có kỷ cương, có hiệu quả. Muốn vậy, vai trò quản lý của nhà nước với “bàn tay hữu hình” để định hướng phát triển của thị trường phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế đất nước và thiết lập những nguyên tắc, những kỷ luật cho mọi thành viên tham gia vô cùng quan trọng.
Nguy cơ chạy đua LS
Thị trường tiền tệ trong năm 2008, và có vài lần lặp lại trong các năm 2009-2011, diễn ra “một số cuộc chạy đua LS” không bình thường. Một hoặc một số rất ít các NH đưa ra LS hoặc LS cộng thưởng/khuyến mãi cực cao so với mặt bằng LS chung của thị trường, bất chấp cả giới hạn trần cho phép (nếu có) với các loại sản phẩm tiền gửi khá “độc đáo”, khởi động cho cuộc chạy đua LS sau đó của cả hệ thống NH. Hậu quả thì đã rõ, tính an toàn của hệ thống bị đe dọa, giá thành vốn huy động bị đội lên cao, do đó LS cho vay cũng bắt buộc phải cao, tạo ra áp lực chi phí đẩy cho lạm phát, kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế.
Không phải “vô duyên, vô cớ” mà các NH chào mời khách hàng bằng việc đưa ra mức LS cực cao, bất chấp cả giới hạn trần cho phép. Nguyên nhân chủ yếu là do quản trị yếu kém, các vấn đề nội tại của bản thân ngân hàng như trước đó đã tăng trưởng tín dụng quá cao; chất lượng tín dụng giảm, nợ xấu tăng cao… PGS-TS Nguyễn Thị Nhung, Học viện Ngân hàng, đã nêu rõ:“Một NH có thể có rủi ro nợ quá hạn cao, có thể gặp rủi ro khi tỷ giá biến động, có thể có mức lợi nhuận giảm sút… những tình trạng này đều rất nguy hiểm song vẫn có thể tháo gỡ. Nhưng nếu để rủi ro thanh khoản xảy ra - hiệu ứng domino sẽ mang nguy hiểm đến toàn hệ thống chứ không chỉ giới hạn trong một NH và tình trạng sụp đổ là trong gang tấc. Vì thế người ta mới nói rằng nó là loại rủi ro nguy hiểm nhất trong tất cả các rủi ro và một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các nhà quản trị NH là phải làm sao để đảm bảo thanh khoản đầy đủ”.
Biểu hiện về cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn, có thể là “tín hiệu giật dây cho một cuộc chạy đua LS mới”, lại xuất hiện gần đây khi LS lập đỉnh 14%/năm. Trong đợt điều chỉnh LS theo Thông tư 19/2012/TT-NHNN ngày 8.6.2012, NHNN cho phép các NHTM tự định đoạt LS huy động kỳ hạn trên 12 tháng để cân đối cung - cầu nguồn vốn của mình. Trong thực tiễn, một số NH nhỏ không có lợi thế về dịch vụ, về mạng lưới nên cần phải có mặt bằng LS cao hơn những NHTM lớn để huy động vốn. Tuy nhiên, mặt bằng LS này có thể tương đương với mặt bằng huy động vốn của Quỹ tín dụng nhân dân, cao hơn khoảng 0,5-1%/năm so với kỳ vọng về lạm phát năm, chứ không thể cao đến “mức vô lý”, cao hơn kỳ vọng về lạm phát năm đến 5% năm!
Giải pháp đồng bộ
NHNN cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về tái cấu trúc NH theo định hướng, lộ trình của Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1.3.2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các Tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”. Trước mắt, Chính phủ, NHNN cần quan tâm đặc biệt và có giải pháp quản lý nhà nước hữu hiệu với biểu hiện mới, lặp lại của “cuộc chạy đua LS” trước đây. Đồng bộ với đợt điều chỉnh LS lần này (tháng 6.2012), đề nghị NHNN thực hiện các chính sách, cơ chế cụ thể sau:
Hoàn thiện lại quy chế gửi tiền tiết kiệm, trong đó sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn khi cho rút trước hạn, mức LS tối đa chi trả là LS không kỳ hạn.
Cơ quan thanh tra, giám sát NH phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi cần nhanh chóng, sớm phát hiện những biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động NH, trước hết là trong lĩnh vực huy động vốn. Nếu phát hiện có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh cần tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra đặc biệt xem chiến lược kinh doanh của NHTM như thế nào? Huy động vốn LS cao để làm gì? Sản phẩm tiền gửi có cho rút trước hạn không... Khi kết luận là NHTM đã cố tình thực hiện hành vi “cạnh tranh không lành mạnh” thì trước hết xử phạt hành chính nghiêm khắc, mức phạt tối thiểu có thể là 1 tỉ đồng.
Chính phủ, NHNN cần kiên quyết áp dụng nghiêm kỷ luật thị trường. Đối với NH yếu kém nhưng không tự “khai báo” với NHNN để có biện pháp, lộ trình phù hợp giúp đỡ, tự cố gắng điều chỉnh hoạt động trở lại an toàn mà lại có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây rối loạn thị trường, tự đẩy hoạt động của chính bản thân NH vào mức “không an toàn” cao hơn…, NHNN cần phải yêu cầu NHTM tạm ngừng mọi hình thức huy động, thực hiện thủ tục cho phá sản ngân hàng.
Theo Thanhnien