Sự kiện hot
13 năm trước

Nền văn minh Harappan suy tàn vì... mưa

Cách đây 4.000 năm, Harappan - nền văn minh cổ đại thịnh vượng một thời đã bị sụp đổ do sự thay đổi của thời tiết mà nguyên nhân chính là do lượng mưa giảm.

Cách đây 4.000 năm, Harappan - nền văn minh cổ đại thịnh vượng một thời đã bị sụp đổ do sự thay đổi của thời tiết mà nguyên nhân chính là do lượng mưa giảm.

Tàn tích còn lại của nền văn minh Harappan

Nền văn minh Harappan hay còn gọi là Thung lũng Indus nổi tiếng một thời với hệ thống ống cống tinh xảo, những con đường buôn bán nhộn nhịp và hệ thống chữ viết độc đáo.

Theo các nhà nghiên cứu, sự thay đổi khí hậu chính là thủ phạm dẫn tới sự biến mất một cách kỳ bí của Harappan – một trong những nền văn minh đô thị đầu tiên trên thế giới cách đây 4.000 năm. Nền văn minh Harappan nằm trên một khu vực rộng lớn bao trùm cả Ấn Độ, Pakistan, Nepal và Bangladesh ngày nay.

Do quá trình xây dựng và phát triển phụ thuộc chủ yếu vào lượng mưa nên khi khí hậu thay đổi khiến mực nước trên các con sông sụt giảm nghiêm trọng và không đủ sức hỗ trợ cuộc sống cho người dân trong thành phố, đã đẩy nền văn minh Harappan tới ngày tàn.

Mặc dù, nền văn minh đồng bằng Lưỡng Hà và Ai Cập vốn nổi tiếng là nơi hình thành văn hóa đô thị lớn đầu tiên trên Trái đất song Harappan mới là nền văn minh lớn nhất.

Trải dài trên diện tích rộng hơn 1 triệu km2 dọc theo khu vực đồng bằng sông Ấn từ vùng Biển Ả-Rập tới Sông Hằng, trong thời kỳ đỉnh cao thịnh vượng, dân cư Harappan chiếm tới 10% dân số thế giới.

Nghiên cứu cho thấy văn minh Harappan bắt đầu phát triển trong giai đoạn cách đây 5.200 năm và dần dần suy tàn khoảng từ 3.000 – 3.900 năm trước – thời điểm cư dân trong các thành phố bỏ quê hương để di cư sang khu vực phía đông.

“Nền văn minh Harappan thậm chí còn lớn hơn so với nền văn minh Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại, song nó lại bị thế giới lãng quên cho tới tận những năm 1920. Do đó, nền văn minh này còn ẩn chứa nhiều bí ẩn với con người hiện đại’, nhà địa lý học Liviu Giosan thuộc Viện Hải dương học Woods Hole tại Massachusetts (Mỹ) cho biết.

Harappan có mạng lưới thành phố chằng chịt đường ống dẫn nước. Khác với văn minh Ai Cập và Lưỡng Hà, nền văn Thung lũng Indus có xu hướng phát triển theo lối dân chủ bởi họ không cho xây dựng bất cứ một công trình kiến trúc đồ sộ nào cho các vị vua hay pharaoh.

Song cũng giống như 2 nền văn minh Ai Cập và Lưỡng Hà, nền văn minh Harappan được đặt tên theo một trong những thành phố lớn nằm ngay cạnh những con sông, thuận lợi cho quá trình giao thương.

Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của nền văn minh Harappan huy hoàng, nhà nghiên cứu Giosan và các cộng sự đã tái xây dựng khung cảnh vùng đồng bằng và các con sông vốn bị lãng quên trong một thời gian dài.

Trước tiên, các nhà khoa học tiến hành phân tích dữ liệu vệ tinh toàn bộ khu vực vốn thuộc Harappan và các con sông lận cận. Kể từ năm 2003 – 2008, họ tiếp tục thu thập các mẫu trầm tích nằm trong khu vực bờ biển Ả-Rập tới các thung lũng ẩm ướt màu mỡ thuộc Punjab và phía bắc sa mạc Thar nhằm xác định nguồn gốc và tuổi thọ của các lớp trầm tích từ đó tìm hiểu những thay đổi diễn ra trên vùng đất Harappan rộng lớn.

Việc thu thập và nghiên cứu các lớp trầm tích trên sẽ giúp giới khoa học xác định được hoạt động sống của con người dưới thời Harappan như loại cây người dân trồng và thời điểm, phương thức khiến nền nông nghiệp và quá trình định cư thay đổi.

Trước đây, nhiều người cho rằng vùng đất trung tâm Harappan tiếp nhận nguồn nước từ sông băng Sarasvati – một con sông nằm trong thần thoại Ấn Độ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy nguồn nước chính cung cấp cho các con sông tại Harappan xuất phát từ những cơn mưa lớn vào mùa mưa.

Trong khi đó, nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng Ghaggar – một con sông được hình thành chỉ trong các mùa mưa lớn, mới là nguồn cung cấp nước cho cả khu vực rộng lớn chứ không phải sông Sarasvati.

Theo các nhà nghiên cứu, các con sông tại Harappan đã ngập tràn nước vào mùa mưa, dẫn tới những trận lụt lớn trên cả khu vực. Tuy nhiên, khi nước lũ rút, các khu vực ven sông trở nên màu mỡ hơn kéo theo sự phát triển nở rộ của nền nông nghiệp và văn minh nhân loại trong gian đoạn gần 2.000 năm.

Ông Giosan cho rằng nguồn năng lượng Mặt trời chiếu xuống Trái đất đã làm thay đổi lượng mưa vào mùa mưa. Trong vòng 10.000 năm trước, khu vực bán cầu bắc nhận được nguồn năng lượng Mặt trời lớn nhất trong khoảng 5.000 – 7.000 năm và sau đó nguồn năng lượng này giảm dần cường độ.

Do mọi điều kiện khí hậu trên Trái đất đều chịu ảnh hưởng từ hoạt động của Mặt trời, nên khi nguồn năng lượng Mặt trời chiếu xuống hành tinh ít hơn, đồng nghĩa với việc lượng mưa tại khu vực này giảm xuống nhanh chóng.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến sau nhiều thế kỷ, người dân Harappan phải di cư sang khu vực phía đông thuộc lưu vực sông Hằng – nơi lượng mưa vẫn được duy trì ổn định.

Thiếu mưa cũng khiến nạn hạn hán xảy ra trên nhiều thành phố thuộc nền văn minh Harappan. Kết quả là khi lực lượng lao động di cư hết sang khu vực phía đông, sẽ không còn ai ở lại để tiếp tục vun đắp và phát triển nền văn minh Harappan.

Minh Thu
Theo Infornet

Từ khóa: