Nếu 12 Tập đoàn mà thanh tra, kiểm tra một cách nghiêm túc thì chắc cũng bộc lộ những vấn đề không kém gì Vinashin, Vinalines hiện nay.
Nếu 12 Tập đoàn mà thanh tra, kiểm tra một cách nghiêm túc thì chắc cũng bộc lộ những vấn đề không kém gì Vinashin, Vinalines hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã trao đổi với PV VTC News về những lỗ hổng trong việc quản lý, giám sát các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước hiện nay.
Với những sai phạm đã xảy ra ở một số tập đoàn, tổng công ty lớn như Vinashin hay Vinalines. Theo ông, vấn đề cần đặt ra ở đây là gì?
Theo tôi, có 2 vấn đề. Một là cơ chế về luật pháp đối với Tập đoàn và Tổng công ty nhà nước chưa thực sự chặt chẽ và rõ ràng. Cụ thể là vấn đề pháp nhân, chủ quản là ai, cái thuộc Bộ, cái do Thủ tướng quyết định, dẫn đến nhiều Tập đoàn còn to hơn cả Bộ vì nó không phải báo cáo với Bộ mà trực tiếp báo cáo với Thủ tướng.
Thứ 2 là công tác cập nhật, giải trình cũng rất chậm. Thường sự việc xảy ra rồi mới bắt đầu “bịt”. Nếu ngăn chặn từ xa thì sẽ tốt hơn.
Được kỳ vọng là những "quả đấm thép” cho nền kinh tế, nhưng thời gian qua hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước lại kém hiệu quả. Nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng này?
Có 2 lý do. Thứ nhất, nhìn một cách khách quan thì hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có 2 mục tiêu, một là vì lợi nhuận. Cái này thì rất rõ, ai làm lỗ thì phải chịu trách nhiệm và có cơ chế xử lý rõ ràng.
|
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong |
Nhưng mục tiêu thứ hai là phi lợi nhuận hoặc “ỡm ờ” giữa lợi nhuận và phi lợi nhuận thì cơ chế vẫn chưa rõ ràng. Chính vì mục tiêu này nên việc tính toán lợi nhuận cũng không hợp lý và không tạo được động lực để doanh nghiệp buộc phải làm ăn có lãi.
Nhà nước chỉ giao cho các Tập đoàn và các tổng công ty vốn và yêu cầu bảo toàn vốn. Chính vì thế yêu cầu về lãi, phát triển,…chỉ là yêu cầu thứ hai, không mang tính pháp lý cao.
Thưa ông, nhìn vào các sai phạm ở Vinashin và Vinalines thấy có điểm chung là khi những người lãnh đạo sai phạm đã “vẽ” ra các dự án rất hoành tráng để đầu tư nhưng không hiệu quả? Vậy trách nhiệm này sẽ thuộc về ai?
Hiện nay có thể thấy công tác cán bộ vẫn chưa rõ. Dẫn đến việc các cán bộ dù đúng dù sai vẫn có thể thăng chức. Có những người chỉ lên hoặc lên ngang, còn chưa có cơ chế xuống.
Chưa kể có cả một ê kip đứng đằng sau mà như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra là lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ....
Chính vì vậy mới dẫn đến hiện tượng ông làm ăn lỗ nhưng vẫn tiếp tục được lên chức. Bất cập hiện nay là ở chỗ không có tiêu chí đánh giá, bổ nhiệm và bắt buộc phải xuống khi có khuyết điểm.
Cơ chế trách nhiệm liên quan cũng chưa có. Bổ nhiệm người năng lực kém lên làm lãnh đạo thì ai chịu trách nhiệm? Điều này khiến cho người ta có quyền bổ nhiệm bất cứ ai, miễn là có lợi cho mình. Còn sau đó làm ăn thế nào, không quan tâm.
Sắp tới hàng năm sẽ bỏ phiếu tín nhiệm 1 lần, tôi cho rằng đây là một cơ chế rất tốt, buộc người ta phải có trách nhiệm hơn, dân chủ hơn. Chứ không như hiện nay, cứ lên chức rồi là yên tâm.
Trong vụ Vinashin, điển hình sai phạm là việc mua tàu Hoa Sen hơn 1.000 tỉ đồng về để không. Vụ Vinalines cũng vậy, mua ụ nổi No83M trị giá hơn 26 triệu USD những cũng không hiệu quả. Phải chăng cơ chế giám sát vốn và sử dụng vốn tại các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay quá lỏng lẻo?
Đây là lỗi của cơ chế phân cấp đầu tư cũng như lỗi của việc hoàn thiện luật đầu tư công chưa rõ.
Phân cấp đầu tư có 2 dạng, một là vốn TƯ xuống dưới địa phương chưa được quản lý tốt. Trên cơ sở các dự án địa phương đề xuất, TƯ sẽ rót vốn xuống, nhưng việc giám sát vốn tại các dự án lại dựa trên các Luật như: Luật về xây dựng, kinh doanh, quy định quản lý ngân sách,…
Việc quản lý này chưa đủ là một quá trình chặt chẽ từ trên xuống dưới, mà vẫn bị cắt đoạn ra, TƯ phân bổ xong là hết trách nhiệm. Còn chất lượng xây dựng thì luật xây dựng quản, làm ăn thua lỗ thì luật kinh doanh sẽ áp vào,...
Thứ hai, là có số mục đầu tư quy định tự chịu trách nhiệm, tự huy động vốn, dẫn đến rất khó kiểm soát.
Thứ ba, các tiêu chí đánh giá hiệu quả là chưa rõ, thậm chí chưa cần thiết.
Từ những vụ việc xảy ra gần đây tại Vinashin, Vinalines, ông có nhận xét gì về hoạt động của các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn?
Vinashin hay Vinalines là ví dụ cụ thể về cơ chế quản lý đầu tư và phân cấp cũng như cơ chế quản lý giám sát các hoạt động đầu tư công nói chung và tập đoàn nói riêng.
Nếu 12 Tập đoàn mà thanh tra, kiểm tra một cách nghiêm túc thì chắc cũng bộc lộ những vấn đề không kém như vậy, theo nghĩa đầu tư không hiệu quả, dàn trải, trách nhiệm cá nhân không rõ, hoặc có sự lạm dụng, gắn với cơ chế đầu tư công và quản lý tập đoàn. Mà rõ ràng nhất là trong nhiệm kỳ của lãnh đạo nào cũng chỉ cần càng nhiều dự án càng tốt.
Xin cảm ơn ông!
Châu Anh (thực hiện)
theo VTC News