Thí nghiệm về mô hình hóa chuyến bay liên hành tinh “Mars-500” sẽ được lặp lại trong điều kiện vũ trụ cụ thể là trên Trạm không gian quốc tế ISS, ngôi nhà chung của Mỹ, châu Âu, Nhật, Canada và Nga.
Thí nghiệm về mô hình hóa chuyến bay liên hành tinh “Mars-500” sẽ được lặp lại trong điều kiện vũ trụ cụ thể là trên Trạm không gian quốc tế ISS, ngôi nhà chung của Mỹ, châu Âu, Nhật, Canada và Nga.
Những người tham gia chương trình Mars 500 trong năm 2011.
Thông tin này vừa được người đứng đầu cơ quan vũ trụ của LB Nga (Roskosmos) Vladimir Popovkin tuyên bố mới đây, Rian cho hay.
Ông Popvkin cho biết, "Маrs-500" rất có ích cho những chuyến bay xa vào vũ trụ trong tương lai. Vì vậy, Roskosmos đã xem xét nghiêm túc khả năng lặp lại thí nghiêm này trong điều kiện vũ trụ và đã đề cập vấn đề này với các đối tác là NASA và cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) về việc thực hiện trên Trạm không gian quốc tế ISS, ngôi nhà chung của Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Canada và LB Nga. NASA và ESA đã đồng ý về nguyên tắc.
Mục tiêu của dự án này nhằm thu được các số liệu thực nghiệm về trạng thái sức khỏe và khả năng làm việc của một phi hành đoàn trong điều kiện bị cô lập với thế giới trong thời gian dài của các chuyến bay xa.
Thí nghiệm phỏng theo điều kiện của một chuyến bay kéo dài 520 ngày đêm lên Hành tinh đỏ đã thực hiện thành công và kết thúc vào ngày 4/10/2011 tại Viện các vấn đề y-sinh học, trực thuộc Viện HLKH LB Nga. Một phi hành đoàn quốc tế giả định gồm nhiều nước, đứng đầu là nhà du hành thử nghiệm Nga Alexey Sitev. Vai trò bác sĩ của đoàn được giao phó cho Sukhrob Kamolov. Roman Charles người Pháp (đảm nhận nhiệm vụ kỹ sư của chuyến bay), còn Alexandr Smoleevsky ngời Nha, Diego Urbina người Ý và Wang Yue người Trung Quốc làm công tác nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, ông Vladimir Popovkin cũng nói thêm những chuyến bay có người lái lên sao Hoả khó lòng thực hiện trước năm 2030-2035 vì cần hàng loạt điều kiện như một nguồn cung cấp năng lượng rất mạnh, các biện pháp bảo vệ an toàn cho phi hành đoàn trong chuyến bay, đặc biệt chống các bức xạ… chưa giải quyết được.
Mặt khác, chúng sẽ rất tốn kém nên “Không một quốc gia đơn lẻ nào có thể thực hiện được điều đó”, ông Popovkin nói.
Bảo Châu
Theo Vietnamnet