Sự kiện hot
13 năm trước

Ngân hàng ACB bị Moody’s hạ điểm tín nhiệm

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) vừa bị hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service cắt giảm điểm tín nhiệm. Lý do mà Moody’s đưa ra cho động thái này bao gồm yếu tố kỹ thuật và vấn đề chất lượng tài sản của ACB.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) vừa bị hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service cắt giảm điểm tín nhiệm. Lý do mà Moody’s đưa ra cho động thái này bao gồm yếu tố kỹ thuật và vấn đề chất lượng tài sản của ACB.

Báo cáo ngày 17/5 của Moody’s cho biết, đánh giá sức mạnh tài chính ngân hàng độc lập (BFSR) của ACB bị cắt giảm xuống E+ từ D-, tương ứng với đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) ở mức B1 xét trong dài hạn. Đánh giá tín nhiệm tiền gửi nội tệ dài hạn và đánh giá tín nhiệm nhà phát hành nợ nội tệ dài hạn của ACB bị Moody’s hạ xuống B1 từ Ba3. Triển vọng gán cho các định hạng tín nhiệm mới này là mức “ổn định”.

Moody’s cho biết “việc hạ điểm tín nhiệm này dựa trên (i) ảnh hưởng từ việc điều chỉnh cách đánh giá áp dụng trên phạm vi toàn cầu đối với các ngân hàng có định hạng sức mạnh tài chính độc lập cao hơn điểm tín nhiệm nợ quốc gia, và (ii) chất lượng vốn và tài sản suy giảm của ACB”.

Hãng định mức tín nhiệm này duy trì đánh giá tín nhiệm nhà phát hành nợ ngoại tệ dài hạn của ACB ở mức B1, đánh giá tín nhiệm tiền gửi ngoại tệ dài hạn giữ ở mức B2. Triển vọng đối với cả hai định hạng này đều là "tiêu cực". Các đánh giá tín nhiệm nợ ngắn hạn không ưu tiên của ACB không bị ảnh hưởng bởi đợt điều chỉnh đánh giá này.

Vào ngày 18/4, Moody’s đã lên tiếng cảnh báo về việc xem xét hạ bậc tín nhiệm của ACB. Hãng đánh giá tín nhiệm này cho biết, động thái hạ điểm tín nhiệm ACB ngày 17/5 đã hoàn tất đợt rà soát điều chỉnh đánh giá nói trên.

Theo Moody’s, việc hạ điểm BFSR của ACB phản ánh quan điểm rằng, điểm tín nhiệm của các ngân hàng có liên hệ mật thiết với sức mạnh tín nhiệm của quốc gia nơi ngân hàng đó đặt trụ sở. Moody’s cho biết, những yếu tố dẫn tới việc ACB bị hạ điểm BFSR bao gồm việc ngân hàng này có mức độ hoạt động ở thị trường nước ngoài tương đối thấp, nắm giữ một tỷ lệ trái phiếu chính phủ cao so với mức vốn, và tình trạng thiếu vắng sự hỗ trợ tiếp theo từ phía đối tác nước ngoài.

Moody’s đưa ra số liệu cho thấy, tính đến cuối năm 2011, ACB nắm giữ một lượng trái phiếu chính phủ Việt Nam tương đương 124% vốn cấp 1. Chưa kể, ngân hàng này cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ môi trường kinh tế vĩ mô như Chính phủ Việt Nam, nên mức đánh giá BFSR của ACB ngang bằng với đánh giá tín nhiệm quốc gia của Việt Nam là điều thích hợp.

Các chuyên gia của Moody’s đánh giá, ACB đang đối mặt thách thức trong việc tăng vốn để có khả năng hấp thụ tốt hơn các khoản thua lỗ. Nếu tính theo chuẩn Basel I, tỷ lệ vốn cấp 1 của ACB đã giảm xuống 6,1% vào cuối năm 2011 từ mức 11,3% vào cuối năm 2009. Moody’s cho rằng, các ngân hàng Việt Nam phải có tỷ lệ vốn cấp 1 trên 9% mới đảm bảo trong môi trường kinh tế vĩ mô nhiều thách thức cũng như để hỗ trợ tăng trưởng vốn vay trong tương lai. Bên cạnh đó, ACB còn bị Moody’s cho là có tỷ lệ vốn dự phòng thất thoát vốn vay khá thấp.

Moody’s cũng cho rằng, chất lượng tài sản của ACB đang suy giảm và tỷ lệ nợ xấu của ACB theo chuẩn quốc tế là khó đoán. Theo chuẩn Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu của ACB là 0,9% tổng lượng vốn vay ở thời điểm cuối năm 2011, so với mức 0,3% vào cuối năm 2010. Moody’s dư báo, rủi ro chất lượng tài sản của ACB sẽ còn gia tăng trong 2 năm tới.

Theo Phương Anh
Dân Trí

Từ khóa: