Theo hãng tin Tân Hoa Xã ngày 28/5, Chu Cường Vũ, Phó Chủ nhiệm Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, cho biết chính sách cho vay của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) sẽ học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức đa phương hiện có như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Chuyên gia này nhấn mạnh các lĩnh vực như đánh giá dự án, ảnh hưởng đối với môi trường, bảo vệ văn hóa địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững lành mạnh. AIIB sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn cao và sẽ tìm điểm cân bằng giữa những tiêu chuẩn này với tình hình thực tế của nước nhận hỗ trợ ở khu vực châu Á, tuy nhiên nhất định sẽ không kèm theo các điều kiện chính trị.
Trước đó, chủ tịch thường trực Hội nghị Đại biểu đàm phán trù bị thành lập AIIB, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Sử Diệu Bân ngày 27/5 xác nhận 57 nước tham gia với tư cách là thành viên sáng lập của AIIB đã nhất trí về văn bản “Điều lệ của AIIB” và xác định vốn pháp định 100 tỷ USD của ngân hàng này sẽ do các nước thành viên tự nhận nộp.
Chuyên gia Chu Cường Vũ cho rằng việc đưa ra quyết định trên được căn cứ vào hiện trạng cơ sở hạ tầng khu vực châu Á và các kênh tài chính hiện có, do các nước thành viên sáng lập cùng quyết định.
Hiện nay vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở châu Á mỗi năm cần khoảng 730 tỷ USD nhưng số tiền đầu tư của WB và ADB cho khu vực châu Á mỗi năm gộp lại chỉ khoảng 20 tỷ USD, trong đó số tiền có thể dùng cho cơ sở hạ tầng chỉ còn khoảng 10 tỷ USD, do đó sự chênh lệch giữa nhu cầu thực tế và số vốn được cấp là rất lớn.
Theo chuyên gia Chu Cường Vũ, AIIB sẽ nỗ lực thúc đẩy việc nâng cấp và cải thiện cơ sở hạ tầng của các quốc gia châu Á, đặc biệt là các nước có kỹ thuật tương đối lạc hậu và sẽ chú trọng đầu tư vào các dự án khu vực và xuyên khu vực, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững ở khu vực châu Á.
Hải Yến
theo Vietnam+