Nhiều ngân hàng (NH) đang lần lữa, không chịu điều chỉnh giảm lãi suất (LS) cho vay đối với các khách hàng cá nhân dù hợp đồng vay quy định LS thả nổi.
Nhiều ngân hàng (NH) đang lần lữa, không chịu điều chỉnh giảm lãi suất (LS) cho vay đối với các khách hàng cá nhân dù hợp đồng vay quy định LS thả nổi.
LS vay trên 20%/năm
|
|
|
Nhiều NH hiện nay chỉ cạnh tranh trong huy động vốn. Còn việc cho vay thì NH có suy nghĩ khách hàng cần NH nhiều hơn nên họ ít quan tâm đến khách hàng cũ
|
|
|
TS Đinh Thế Hiển
|
|
|
Nhiều độc giả Báo Thanh Niên phản ánh: Trước đây, khi LS cho vay tăng, dù chưa đến hạn điều chỉnh LS nhưng nhân viên tín dụng nhiều NH đã liên tục đề nghị tăng. Do lo ngại nếu không đồng ý, lần vay sau sẽ gặp khó khăn nên nhiều khách hàng cá nhân đành chấp nhận. Thế nhưng hiện nay, khi LS huy động đã giảm nhiều (chỉ trong vòng 2 tháng đã giảm từ 14%/năm xuống còn 9%/năm), LS cho vay cũng giảm nhanh nhưng nhiều NH cứ lần lữa, không điều chỉnh giảm LS cho vay đối với các khách hàng cũ.
Chị Thanh (ngụ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết vừa được NH thông báo LS cho vay của tháng này là 20,3%/năm (gần 1,7%/tháng) đối với khoản tiền vay 300 triệu đồng còn lại của hợp đồng vừa ký cách đây khoảng 5 tháng. Chị Thanh bức xúc, trong khi NH này đang triển khai cho khách hàng cá nhân mới vay với LS 13%/năm thì chị chỉ được giảm có 3,7%/năm, vẫn phải chịu LS 20,3%/năm. Hỏi nhân viên NH thì họ giải thích ban lãnh đạo chưa có chính sách giảm LS đối với hợp đồng vay cũ.
Còn chị Trần Thùy Trang (ngụ tại Q.7, TP.HCM) cho biết hợp đồng vay vốn thế chấp nhà của chị được thực hiện từ đầu năm 2011 đến nay với kỳ hạn 3 năm với điều kiện LS thả nổi theo thị trường. Thời điểm LS cho vay trên thị trường cao nhất chị phải trả lên đến mức 23,5%/năm. Đầu năm nay, LS vay của chị được điều chỉnh xuống 21,5%/năm cho đến nay. Chị Trang kể: Liên tiếp trong hai tháng qua, cứ đến ngày đóng tiền lãi và gốc chị đều đề nghị NH xem xét giảm LS thì chỉ nhận được câu trả lời “chị cứ đóng đi rồi tháng sau sẽ giảm”. Tuy nhiên đến giờ chị vẫn chưa được NH thông báo giảm LS.
Điều chị Trang bức xúc nhất chính là điều kiện vay thả nổi LS theo thị trường. Trước đây khi LS đầu vào tăng lên thì NH đều thông báo điều chỉnh LS của chị hằng tháng đều tăng theo. Nhưng khi LS giảm xuống thì dù chị có nhắc bao nhiêu lần vẫn chưa thấy giảm. Một trường hợp khác là chị Bùi Thị Hoa (ngụ tại Q.Tân Phú) - cũng cho biết LS khi ký hợp đồng của chị lên đến 24%/năm. Với điều kiện LS sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần thì từ đầu năm đến nay, chị đã được điều chỉnh 2 lần và hiện còn đang chi trả LS 20%/năm. Chị cho biết sắp đến kỳ hạn LS được điều chỉnh nhưng theo tìm hiểu, có thể NH chỉ giảm thêm cho chị 1% mà thôi. Theo chị, mức LS nếu giảm vẫn còn phải trả gần 19%/năm vẫn quá cao nếu so với mức LS cho các cá nhân vay hiện nay chỉ ở mức 15 - 16%/năm.
Hiện nay khách hàng mới thường có mức lãi suất vay tốt hơn khách hàng cũ
- Ảnh: Diệp Đức Minh
NH cần sòng phẳng với khách hàng
TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính - nhận xét: “Khách hàng cũ trả LS cao hơn khách hàng mới, nghịch lý buồn cười này tồn tại không những trong lĩnh vực NH mà cả một số lĩnh vực khác. Về nguyên tắc, khách hàng cũ sinh lợi cho đơn vị thì các chính sách cần hỗ trợ ưu đãi hơn khách hàng mới. Điều này cho thấy các NH hiện nay chăm sóc khách hàng chưa hợp lý. Nhiều NH hiện nay chỉ cạnh tranh trong huy động vốn. Còn việc cho vay thì NH có suy nghĩ khách hàng cần NH nhiều hơn nên họ ít quan tâm đến khách hàng cũ”.
TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường đại học Ngân hàng TP.HCM - cho rằng: “Dù LS vay được tính lại sau 1 tháng, 3 tháng hay 6 tháng nhưng chính sách vĩ mô hiện nay đã thay đổi, LS trên thị trường đã giảm nhiều, bản thân các NH cần chủ động giảm LS vay đối với khách hàng. NH có chiến lược thì sẽ giảm LS cho vay đối với khách hàng ngay thay vì phải chờ đến kỳ hạn mới điều chỉnh trên hợp đồng bởi một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Theo Thanhnien