Sự kiện hot
7 năm trước

Ngân hàng chậm giải ngân, thiếu hụt nguồn cung cá tra khiến Hùng Vương ngập chìm trong thua lỗ

Hùng Vương cho biết trong năm 2018 sẽ tiến hành thoái vốn một số công ty con, thanh lý dự án bất động sản, đóng cửa nhà máy không hiệu quả để giảm thiểu tình trạng thua lỗ như hiện nay.

Thoái vốn và thanh lý tài sản để khắc phục lỗ

Công ty Cổ phần Hùng Vương (Mã: HVG) vừa có công văn giải trình phương án khắc phục lỗ luỹ kế năm 2018.

Kết quả kinh doanh năm 2017 của Hùng Vương ghi nhận lỗ hơn 224 tỷ đồng ở báo cáo riêng và lỗ sau thuế của công ty mẹ gần 713 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2017. Theo báo cáo hợp nhất thì khoản lỗ luỹ kế tính đến ngày 30/9/2017 là gần 424 tỷ đồng.

Công ty đưa ra phương án khắc phục lỗ luỹ kế gồm thoái vốn một số công ty con như Công ty cổ phần Thực phẩm Sao ta ( sở hữu 100% vốn), Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng ( nắm trên 50% vốn).

Bên cạnh đó, Hùng Vương cũng sẽ tiến hành thanh lý một số dự án bất động sản như: 765 Hồng Bàng, 94 Phạm Đình Hổ tại TP HCM. Đồng thời, Công ty sẽ đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.

Công ty cũng sẽ thỏa thuận với ngân hàng về việc tiếp tục tài trợ nguồn vốn trung, dài hạn để hoàn thành các dự án đang triển khai dở dang. Đồng thời, khoanh nợ và có chính sách ưu đãi lãi suất đối với các khoản nợ hiện tại.

Phía Hùng Vương cho biết nguyên nhân thua lỗ thời gian qua là do thiếu hụt nguyên liệu cùng chi phí lãi vay và áp lực tài chính từ các dự án đầu tư dở dang.

Nguyên liệu không đủ, công suất giảm 50%

Về nguyên liệu, năm 2017 chứng kiến giá xuất khẩu cá tra fillet tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại. Nhưng, trái ngược với nhu cầu không ngừng tăng của thị trường, nguồn cung cá tra nguyên liệu mỗi ngày một giảm.

Hùng Vương giải trình tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đã bắt đầu từ nửa cuối năm 2016 và kéo dài đến đầu năm 2018 chưa có dấu hiệu hồi phục.

11 nhà máy với 15.000 lao động của Hùng Vương hoạt động ở mức độ cầm chừng, giảm 50% công suất, chủ yếu tái chế hàng trong kho để duy trì xuất khẩu. Nguyên liệu không đủ, chi phí cố định lớn cộng thêm chi phí trợ cấp cho người lao động trong thời gian tạm ngưng sản xuất khiến giá thành sản xuất tăng 30%. Giá xuất khẩu cho dù tăng mạnh cũng không đủ bù đắp chi phí sản xuất.

Ngân hàng chậm giải ngân, mất cân đối nguồn vốn

Về áp lực tài chính, từ năm 2015 đến cuối năm 2017, Hùng Vương đã triển khai thực hiện các đề án phát triển về chăn nuôi heo theo mô hình công nghệ cao và xây dựng kho lạnh 60.000 pallet vận hành hoàn toàn bằng robot.

Các dự án của Hùng Vương triển khai tính đến ngày 28/2 (Nguồn: Hùng Vương)

Hùng Vương giải trình một số công trình đã được hoàn tất đến 80%, nhưng việc giải ngân từ phía ngân hàng lại bị trì hoãn. Có những dự án phải sử dụng hoàn toàn nguồn vốn ngắn hạn của Công ty mà không có sự hỗ trợ nào từ phía ngân hàng cam kết.

Tổng số vốn mà phía ngân hàng cam kết tài trợ cho các dự án nói trên là 1.508 tỷ đồng, tương ứng với 70% tổng giá trị đầu tư các dự án. Thực tế mới chỉ giải ngân được 484 tỷ đồng, nghĩa là chưa được 1/3 giá trị cam kết.

Tổng số vốn Công ty đã bỏ ra lên đến 640 tỷ đồng, được trích từ nguồn vốn ngắn hạn, với lãi suất bình quân 9%/năm. Điều này đã gây ra tình trạng mất cân đối vốn nghiêm trọng cho Công ty.

Trong khi các dự án còn dở dang chưa thể tạo ra lợi nhuận thì Công ty vẫn phải "gồng gánh" chi phí lãi vay phát sinh mỗi ngày. Có thể thấy, mặc dù tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn cuối kỳ tại 30/9/2017 đã giảm 969 tỷ so với đầu kỳ, tương ứng 11% nhưng chi phí lãi vay của cả năm 2017 lại tăng đến 8%.

Cơ cấu nợ của Hùng Vương (chưa tính phần lãi vay đang vốn hóa vào chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, không phản ánh trên báo cáo kết quả kinh doanh) (Nguồn: Hùng Vương)

Hoàng Kiều
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: