Sự kiện hot
10 năm trước

“Ngân hàng đừng bao giờ đặt mục tiêu lợi tức bằng mọi giá…”

(ĐS&TD) - Đó là nhận định của TS. Võ Trí Thành, khi được hỏi về “bức tranh” ngân hàng Việt Nam hiện nay như thế nào? Ông cho biết thêm, ngân hàng cần phải tạo uy tín bằng “hình ảnh sạch” và phải biết “chơi” với những doanh nghiệp có uy tín.

Chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2014, bức tranh ngành ngân hàng đang dần được hé lộ. Những gam màu về kết quả kinh doanh của một số ngân hàng đang được vẽ ra.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, VIB đạt lợi nhuận trước thuế 234 tỷ đồng, hoàn thành 72% kế hoạch năm 2014; lợi nhuận sau thuế của Sacombank đạt 1.877 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ; Nam A Bank đạt 130 tỷ đồng tăng đến 237% so với cùng kỳ. Một số các ngân hàng khác cũng có kết quả kinh doanh tương đối khả quan như: NCB, Vietcombank, MB, GP.Bank, Eximbank…


Ông Lê Trọng Nhi trả lời PV xoay quanh bức tranh ngân hàng những tháng cuối năm

Tuy nhiên, bên cạnh những ngân hàng nỗ lực kinh doanh để có kết quả tốt thì một số ngân hàng khác lại có kết quả kinh doanh không mấy thuận lợi như: ABBank, ACB, DongA Bank… Trong 9 tháng đầu năm 2014, ACB chỉ đạt 837 tỷ đồng, giảm 25,1% so với cùng kỳ; ABBank mặc dù có lãi nhưng kết quả cũng không là bao; còn DongA Bank là ngân hàng đầu tiên báo lỗ với lợi nhuận trước thuế 66 tỷ đồng trong quý 3 vừa qua.

Bên cạnh đó, một mảng màu khác trong bức tranh ngân hàng đã thu hút sự chú ý cũng như tranh cãi của dư luận đó là tình hình nợ xấu, sở hữu chéo, vấn đề lãnh đạo ngân hàng vướng vào vòng lao lý. Sau vụ “đại án” “bầu Kiên” tại ACB thì mới đây, ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và ông Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam bị bắt khiến dư luận không khỏi lo ngại về những “lỗ hổng” đang tồn tại vô hình đâu đó trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam.

Trao đổi với PV Báo ĐS&TD, chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Trọng Nhi cho biết, hệ thống ngân hàng và thị trường vốn tại Việt Nam nói chung còn tồn tại rất nhiều lỗ hổng. Đối với vấn đề tái cơ cấu ngân hàng mà chúng ta đang làm được đánh giá là nửa vời và không thực tế. Do đó, khó có thể giải quyết căn cơ “cục nợ xấu”. Bên cạnh đó, trong 6 năm qua, ngành ngân hàng đã không dám nhìn thẳng vào “bảng cân đối tài sản”.

Ông nhấn mạnh, các ngân hàng thương mại hiện nay cần phải giải quyết bằng được “bảng cân đối tài sản”, qua đó mới có thể giải quyết được “bảng cân đối tài sản” của doanh nghiệp.


TS. Võ Trí Thành trả lời phỏng vấn của PV về bức tranh ngân hàng

Còn theo TS. Võ Trí Thành, ngành ngân hàng cần phải nghiêm túc rút ra 3 bài học: Thứ nhất, đừng bao giờ đặt mục tiêu lợi tức bằng mọi giá mà yếu tố thanh khoản mới là quan trọng, lợi tức không nên ngắn hạn mà phải dài hạn; Thứ hai, ngân hàng cần tạo uy tín bằng “hình ảnh sạch” và phải biết “chơi” với những người có uy tín; Thứ ba, phải biết dòng tiền đó ai đáng được nhận.

Đồng tình với quan điểm của 2 vị chuyên gia trên, TS. Lê Đăng Doanh cũng thẳng thắn chia sẻ, đây là thời điểm các ngân hàng Việt Nam phải nhìn thẳng vào sự thật, không thể nhìn theo cách nhìn của 30 năm kể từ sau đổi mới đến nay mà phải nhìn trong bối cảnh những chuẩn mực của thế giới.

“Nhà nước và doanh nghiệp phải có quyết tâm sắt đá để vươn lên. Đây cũng là thời điểm để chúng ta sáng tạo, phải làm khác các đối thủ cạnh tranh. Phải đưa ra những chính sách đủ táo bạo”, ông Doanh nhấn mạnh.

Không còn bao lâu nữa là kết thúc năm 2014, bức tranh Ngân hàng Việt Nam đang dần được tái hiện một cách hoàn thiện nhất, tuy nhiên, đâu đó vẫn còn bộc lộ nhiều khuyết điểm. Để khắc phục những điểm yếu cũng như tạo nên một hệ thống ngân hàng hoàn thiện, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều biện pháp tích cực góp phần thúc đẩy sự phát triển nội tại của các nhà băng.

Ngày 29/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông báo hạ trần lãi suất. Theo đó, trần lãi suất huy động bằng VNĐ giảm từ 6% xuống còn 5,5%, trần lãi suất USD giảm từ mức 1% xuống còn 0,75%. Động thái này của Ngân hàng Nhà nước được phần lớn các chuyên gia kinh tế “hoan nghênh” và nhận được nhiều phản ứng tích cực từ phía doanh nghiệp.

Nguyễn Lê - Bảo Bảo

Từ khóa: