Một số ngân hàng thương mại đánh tiếng đi sáp nhập, gây những cách hiểu khác nhau trong công chúng. Đang có một cách hiểu rằng: họ dùng “pháo” để “gắn sao”.
Một số ngân hàng thương mại đánh tiếng đi sáp nhập, gây những cách hiểu khác nhau trong công chúng. Đang có một cách hiểu rằng: họ dùng “pháo” để “gắn sao”.
Theo suy nghĩ thông thường, ngân hàng tính chuyện đi sáp nhập ngân hàng khác phải có tiềm lực mạnh, thể trạng tốt.
Hồi tháng 10/2011, chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được đưa ra. Lúc đó, một số lãnh đạo ngân hàng “tủm tỉm” rằng: “Chúng tôi cũng tính sẽ mua một ngân hàng nào đó”.
Mới nhất, đầu tuần này thị trường xôn xao khi Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cho biết đang tính tới chuyện sáp nhập ngân hàng khác, như một chiến lược mới trong hướng phát triển thời gian tới.
Kỳ thực, khi VnEconomy tìm hiểu kỹ những thông tin đã công bố, ngoài việc “một số tổ chức đã đặt vấn đề kết hợp, sáp nhập” và DongA Bank chưa “vừa mắt” được ai, chưa có gì cụ thể. Có thể thực tế ngân hàng này đang xúc tiến kế hoạch và hứa hẹn có kết quả trong thời gian tới, song lúc này với thị trường mới chỉ dừng lại ở sự xôn xao. Đúng hơn, biết thông tin đó cũng được, mà không biết thì có lẽ cũng chả sao.
Thông tin có nói định hướng trên chờ đại hội cổ đông sắp tới thông qua, nhưng soát kỹ các tài liệu chuẩn bị cho đại hội được công bố trên website của DongA Bank không hề có chữ nào là “sáp nhập”, hay ít nhất là hợp tác nào đó tương tự với một ngân hàng khác. Nếu DongA Bank tính triển khai với lộ trình như thông tin công bố, đó là một kế hoạch rất quan trọng của doanh nghiệp cần có bản trình và thuyết minh cụ thể tới cổ đông. Hay là tài liệu công bố chưa đầy đủ?
Thực chất, nếu DongA Bank tiến hành sáp nhập một ngân hàng nào đó thì cũng không quá bất ngờ, là hợp lý theo quan điểm mà họ đưa ra: để mạnh hơn, phát triển nhanh hơn, nhất là với đối tác đó có địa bàn chính ở ngoài Bắc - nơi mà hoạt động của DongA Bank còn khiêm tốn. Và cũng rất hợp lý khi quan điểm đưa ra là phép cộng: 1+1>2.
Với ý định và mục đích đó, hướng đi của DongA Bank có lẽ sẽ nhận được sự ủng hộ của cổ đông, của thị trường vì một mục đích chung và riêng là để tốt hơn.
Song, cũng có một cách hiểu khác khi thông tin chưa được rõ ràng cụ thể, nhất là trong bối cảnh hiệu ứng ngược tái cơ cấu hệ thống đang có, sự nghi kỵ không chỉ có ở giữa các ngân hàng mà còn ở khách hàng, và thông tin đưa ra là trước thêm đại hội cổ đông, liệu trường hợp trên có nằm trong diện “gắn sao” bằng “pháo” sáp nhập?
Bởi theo suy nghĩ thông thường, ngân hàng tính chuyện đi sáp nhập ngân hàng khác phải có tiềm lực mạnh, thể trạng tốt. Việc đưa thông tin đi sáp nhập như vậy khi chưa cụ thể dễ bị đánh đồng với mục đích từ suy nghĩ đó và hiệu ứng của nó. Tất nhiên, ngân hàng hoàn toàn thuyết phục được thị trường nếu công khai, minh bạch các dữ liệu, tình hình hoạt động một cách đẩy đủ và chân thực. Trong thời gian qua, DongA Bank có thể xem là một trong những thành viên có sự chủ động nhất trong việc công bố các thông tin cơ bản định kỳ, dù chưa niêm yết.
Qua những dữ liệu vừa công bố, đây là ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2011 vừa qua, sau vài năm chật vật ở chỉ tiêu lợi nhuận. Kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 4.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng dự kiến sẽ thực hiện trong tháng 4/2012, và nối tiếp là dự tính lên 6.000 tỷ đồng. Báo cáo tình hình kinh doanh cũng cho thấy sự phát triển khá ổn định, trong các chỉ tiêu tăng trưởng cũng như quản trị rủi ro…
Còn theo phân nhóm tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, DongA Bank được xếp ở nhóm 2 ứng với chỉ tiêu tăng trưởng 15%. Còn ở nhóm “G12”, thời gian qua có một số nhầm lẫn trong thông tin, cũng như trong tư vấn của một số công ty chứng khoán, bởi DongA Bank không phải là một thành viên trong đó (theo thông tin Ngân hàng Nhà nước công bố từ đầu và cho đến thời điểm này).
Nguyên Hồng
Theo VnEconomy