Cái thời mà hầu hết các ngân hàng đều công bố lãi lớn, lãi khủng, lãi ngầm… dường như đã chấm dứt. Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy nhiều nỗi lo ám ảnh các ngân hàng.
Cái thời mà hầu hết các ngân hàng đều công bố lãi lớn, lãi khủng, lãi ngầm… dường như đã chấm dứt. Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy nhiều nỗi lo ám ảnh các ngân hàng.
Lợi nhuận tụt giảm
Ngân hàng TMCP Nam Việt - Navibank (NVB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2012. Các mảng kinh doanh chính của ngân hàng trong quý III/2012 đều giảm so với cùng kỳ 2011, đặc biệt là mảng về thu nhập lãi thuần.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý III/2012 của NVB đạt 6,57 tỷ đồng, giảm 87% cùng kỳ 2011; 9 tháng đạt 98 tỷ đồng, giảm 33,5% cùng kỳ 2011.
Hoạt động dịch vụ quý III/2012 chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng, cũng giảm mạnh 63% so với cùng kỳ năm trước.Các hoạt động ngoại hối, mua-bán chứng khoán của ngân hàng này đều thua lỗ trong cả quý III và 9 tháng đầu năm 2012.
Mặc dù huy động vốn của NVB có dấu hiệu tăng lên nhưng tín dụng đầu ra lại không nhiều đã trở thành yếu tố cản trở tới lợi nhuận chung ngân hàng này. Tình trạng nợ xấu, theo báo cáo của đơn vị này, cũng tăng từ mức 2,92% đầu năm lên 3,97% vào cuối quý III.
Cũng giống như Navibank, đa số các tổ chức tín dụng công bố báo cáo tài chính quý III/2012 đều có 1 điểm chung là lợi nhuận không còn “khủng” như trước đây. Nợ xấu cao, lãi suất cho vay liên tục giảm, đầu ra tín dụng tăng thấp hơn rất nhiều so với huy động vốn đã khiến cho bức tranh của ngành bị bao phủ 1 mầu xám buồn tẻ.
Thống kê cho thấy, trong quý III/2012 vừa qua, các ngân hàng với nhiều tên tuổi lừng lẫy như ACB, Eximbank… và sau đó là Đông Á, hay như Bảo Việt… đều có lợi nhuận sụt giảm từ 50-90% so với cùng kỳ năm trước và thậm chí còn thua lỗ - 1 khái niệm rất hiếm gặp trong các quý, các năm trước đây.
Các ngân hàng có hệ thống quản trị khá tốt như Techcombank và Sacombank cũng không thoát khỏi xu hướng lợi nhuận suy giảm so với năm trước.
Đa phần các tổ chức tín dụng nói trên đều phải đối mặt với 1 số vấn đề khá nghiêm trọng là “cục máu đông” nợ xấu (qua đó khiến tín dụng không thể tăng cao), quản trị không hiệu quả (gây thua lỗ ở 1 số lĩnh vực như BĐS, vàng, ngoại tệ, chứng khoán…) và buộc phải trích lập dự phòng rủi ro. Bên cạnh đó, lãi suất bị khống chế xuống thấp hơn 30-40% so với cuối năm ngoái cũng góp phần khiến cho lợi nhuận ngân hàng sụt giảm.
Ngân hàng còn là siêu lợi nhuận?
Còn nhớ, 2011 được coi là năm “lận đận” của ngành ngân hàng cho dù khi đó có không ít nhà băng công bố con số lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng, chứ không èo uột như trong 9 tháng đầu năm vừa qua.
Với mức lãi nghìn tỷ đồng, nhiều đại diện cho biết nếu so sánh với vốn chủ sở hữu từ 5.000-6.000 đến cả chục nghìn tỷ đồng thì tỷ lệ lợi nhuận là không cao, chỉ khoảng 15%, cá biệt vài ngân hàng mới trên 20%.
Trong buổi trả lời chất vấn các đại biểu cách đây 1 năm, hôm 25/11/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng: Lợi nhuận ngân hàng không cao như nhiều người nghĩ.
Khi đó, theo lý giải của Thống đốc, nếu lợi nhuận ngân hàng mà quá cao thì giá cổ phiếu ngành ngân hàng phải tỷ lệ thuận với lợi nhuận đó nhưng thực tế, giá cổ phiếu ngân hàng ở mức rất thấp. Tổ chức tín dụng, nhiều khi, muốn quảng bá thương hiệu sau mỗi tháng, mỗi quý đã công bố lợi nhuận đã khiến dư luận hiểu nhầm ngân hàng lãi lớn nhưng thực tế lợi nhuận sau khi đã trừ đi các khoản chi phí, trích lập dự phòng rủi ro... của các ngân hàng không lớn, không cao hơn các lĩnh vực khác.
Trong văn bản báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 (tháng 11/2011) và thứ 3 (tháng 6/2012) vừa được Thống đốc ký vài ngày qua, NHNN còn cho rằng, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần báo cáo có lãi nhưng qua thanh tra làm rõ thực tế bị lỗ, giảm vốn điều lệ, thậm chí không còn vốn điều lệ…
Hiện tượng giá cổ phiếu ngân hàng cho dù đã giảm trong nhiều năm, tháng qua nhưng vẫn tiếp tục giảm mạnh trong vài tuần gần đây cho thấy giới đầu tư không còn mặn mà với các cổ phiếu này. Cổ phiếu ngân hàng không còn thống trị thị trường, không còn là cổ phiếu vua như các năm trước đây.
Nó cũng cho thấy 1 điều là ngân hàng không còn là các doanh nghiệp làm ăn tốt nữa, mà ẩn chứa trong đó có khi là rất nhiều rủi ro lớn.
Các con số về nợ xấu liên tục tăng cao tại chính các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu chung cho toàn ngành ở mức báo động đỏ, nhân sự ngân hàng khủng hoảng… cho thấy cục diện ngành ngân hàng không đã thay đổi hoàn toàn, nhiều ngân hàng ở tình trạng bê bết… Đó có lẽ cũng là lý do mà nhiều cổ đông lớn từng hoạt động trong lĩnh vực này thoái vốn, thậm chí rất sợ bị coi còn là cổ đông lớn của các ngân hàng.
Cho tới thời điểm này, có thể nói, rất nhiều ngân hàng đang ở trong tình trạng yếu kém, sức khỏe rất xấu và không còn siêu hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư. Nắm ngân hàng trong tay giờ có lẽ lại là 1 cục lo, chứ không còn là con gà đẻ trứng vàng hay là cái két lúc nào cũng dồi dào tiền mặt có thể phục vụ cho nhiều mục đích.
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã có rất nhiều nỗ lực để gỡ rối, cứu vãn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, có lẽ những thành công vẫn còn khiêm tốn. Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mới ở giai đoạn đầu.
Dự kiến, trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội trong tuần tới, gần như chắc chắn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình sẽ được chọn là người đăng đàn với nội dung liên quan đến xử lý nợ xấu, quản lý thị trường vàng, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp...
Có lẽ, trong phiên trả lời chất vấn, sẽ có nhiều người muốn biết thực tế tình hình sức khỏe của các ngân hàng hiện nay như thế nào? Những ngân hàng nào không còn vốn điều lệ mà vẫn hoạt động? Ngân hàng nào nhiều “sân sau”, chết vì “sân sau”, mang tiền gửi của người dân cho các công ty “sân sau” đầu tư? Những ông chủ của ngân hàng thua lỗ, không còn vốn là ai? Nợ xấu thực tế ở mức độ nào, đâu là con số thực sự? Trách nhiệm của cuộc khủng hoảng tại từng ngân hàng nói riêng và hệ thống nói chung thuộc về ai? Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã tiến triển tới đâu và hiệu quả như thế nào?
Nhiều khả năng, trong tuần tới, giới đầu tư sẽ đón nhận nhiều thông tin dạng “bom tấn” để hiểu rõ lợi nhuận thực của ngân hàng thế nào và đến từ đâu.
Huấn Tú
Theo Vietnamnet