3 hợp đồng vay được ký trong 1 ngày, ngân hàng NCB đồng ý cho FLC của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết vay 1.200 tỷ với tài sản đảm bảo là 32,5 triệu cổ phần của Bamboo Airways.
Thống kê trong năm 2020, Tập đoàn FLC của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết liên tục ký các hợp đồng tín dụng có giá trị lớn.
Tìm hiểu cho thấy, chỉ riêng Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) đã ký cho FLC vay tới khoảng 4.000 tỷ đồng trong năm 2020. Đây cũng chưa phải là con số thống kê đầy đủ.
Cụ thể, ngày 22/1/2020, NCB ký cho FLC vay 650 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là 47 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt - Bamboo Airways (BAV). Cùng ngày, NCB cũng đồng ý cho FLC vay 50 tỷ với tài sản bảo đảm là 10 triệu cổ phần hãng bay nêu trên.
NCB có thể được xem là một ngân hàng cấp tín dụng cho FLC khi liên tiếp trong các tháng sau đó, nhà băng này cho tập đoàn của ông Quyết vay số tiền lớn.
Ngày 6/3/2020, tại hợp đồng số “016/20... ”, NCB ký cho FLC vay 300 tỷ, tài sản bảo đảm là 10 triệu cổ phần BAV.
Tiếp đó, ngày 11/3/2020, tại hợp đồng số “018/20... ”, NCB cho vay 650 tỷ với tài sản đảm bảo là 18 triệu cổ phần BAV.
Vào tháng 7 và tháng 8/2020, NCB tiếp tục cho FLC vay 1.100 tỷ thông qua 4 hợp đồng, tài sản thế chấp là 108 triệu cổ phần của Bamboo Airways.Đáng chú ý, trong ngày 29/5/2020, NCB đã ký 3 hợp đồng liên tiếp cho FLC vay 1.200 tỷ được bảo đảm bằng 32,5 triệu cổ phần BAV.
Đối với hợp đồng cho vay có giá trị 160 tỷ ngày 25/8/2021, NCB chấp nhận tài sản đảm bảo là quyền được nhận các lợi ích thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đối với 30 bất động sản nằm tại khu biệt thự nhà ở thuộc Khu phức hợp Đak Đoa (huyện Đak Đoa, Gia Lai).
Không chỉ có NCB, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ngày 3/6/2020, OCB ký 2 hợp đồng cho FLC vay với số tiền hơn 107 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là 3 triệu cổ phần BAV.
Đối với hợp đồng cho vay trị giá 560 tỷ được ký vào ngày 3/11/2020, OCB nhận cầm cố quyền tài sản và lợi ích phát sinh, liên quan đến/thuộc “Dự án sân golf FLC Quảng Bình Golf Links” do FLC là nhà đầu tư.
Trong khi đó, Sacombank chi nhánh Quảng Ninh cũng ký hợp đồng cho FLC vay 315 tỷ vào ngày 15/5/2021. Nhà băng này chấp nhận tài sản đảm bảo là lợi tức thu được từ việc kinh doanh/khai thác giá trị của quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc Dự án quần thể Trung tâm hội nghị, khu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng và nhà ở thấp tầng FLC Hạ Long.
Mới đây, ngày 18/3/2022, Sacombank chi nhánh Hà Nội nhận thế chấp 20 triệu cổ phần BAV từ FLC làm tài sản bảo đảm cho khoản tín dụng. Tổng giá trị tài sản theo mệnh giá được ghi nhận thời điểm đó là 200 tỷ đồng.
Theo Báo cáo Tài chính hợp nhất quý IV/2021, đến thời điểm 31/12/2021, các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của FLC Group là hơn 2.000 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn hơn 4.100 tỷ đồng. Danh sách nhà băng là chủ nợ của FLC còn có các ngân hàng khác như Agribank; BIDV; Vietinbank...
Trần Chung
Theo Vietnamnet.vn