Sự kiện hot
12 năm trước

Ngân hàng lãi lớn vẫn lo nợ xấu

Nhiều nhà băng công bố đạt lợi nhuận lớn trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, số lãi hàng nghìn tỷ đồng này có thể chuyển thành con số âm hoặc giảm mạnh nếu ngân hàng trích lập đủ dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu.

Nhiều nhà băng công bố đạt lợi nhuận lớn trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, số lãi hàng nghìn tỷ đồng này có thể chuyển thành con số âm hoặc giảm mạnh nếu ngân hàng trích lập đủ dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu.

Ngân hàng lãi khủng

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, nhưng nhiều nhà băng vẫn báo lãi. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của một số ngân hàng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa đưa ra những con số khá cụ thể về những kết quả chính trong nửa đầu năm 2012. Cụ thể, tổng tài sản đến tháng 6/2012 ước đạt trên 392 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2011; tín dụng đến hết tháng 6/2012 ước đạt hơn 215 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2011; huy động vốn từ nền kinh tế ước đạt hơn 260 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm 2011; huy động từ dân cư ước đạt gần 137 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2011. Tính đến hết tháng 6, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank ước đạt 2.600 tỷ đồng.

Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cho biết, tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2012 (bao gồm các công ty trực thuộc) là 776,548 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ 2011, thực hiện được 51,77% kế hoạch năm 2012.

Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ước tính trong 6 tháng đầu năm nay cũng đã đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ 2011.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB), lợi nhuận từ hoạt động tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 2.882,61 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.391,81 tỷ đồng, tăng 9,68% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi thuần 6 tháng đầu năm của NH TMCP Á Châu (ACB) đạt trên 3.611 tỷ đồng, tăng 18,05% so với cùng kỳ năm 2011. Song do chi phí hoạt động tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế của ACB 6 tháng đầu năm nay giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, còn 1.392,59 tỷ đồng.

NH TMCP Công thương Việt Nam có thu nhập lãi thuần 6 tháng đạt 8.830,93 tỷ đồng; thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 558,70 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác là 525,97 tỷ đồng... Tuy nhiên, do chi phí hoạt động gia tăng và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gia tăng nên lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này còn 1.959,32 tỷ đồng (giảm 28,35%).

Qua đây có thể thấy, thu nhập từ lãi thuần của đa số ngân hàng đều gia tăng so
với cùng kỳ năm trước.

Vẫn lo nợ xấu

Tuy nhiên, có một nghịch cảnh là nhiều ngân hàng báo lãi lại đang "khóc thầm" bởi số lãi hàng nghìn tỷ đồng mà nhiều nhà băng công bố có thể chuyển thành con số âm hoặc giảm mạnh nếu họ trích lập đủ dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, tính đến hết tháng 5/2012, nợ xấu là 4,47% trên tổng dư nợ và tổng số tiền các nhà băng đã trích lập dự phòng rủi ro là 67.000 tỷ đồng. Trước đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ tại diễn đàn Quốc hội, nợ xấu thực tế của hệ thống ngân hàng lên tới 10%. Theo Thống đốc Bình, khi trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ xấu, lợi nhuận thực tế của các ngân hàng có thể không cao như công bố.

Nợ xấu tại Vietcombank trong quý II tăng vọt lên 3,47%. Theo số liệu tính đến ngày 30/6, số nợ có thể mất vốn của Vietcombank đã tăng thêm hơn 1.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2012 lên gần 3.900 tỷ đồng.

Tại Vietinbank, nợ có thể mất vốn cũng tăng gần 1.400 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cuối năm 2011. Sau 6 tháng đầu năm, tổng số nợ xấu của Vietinbank đã tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng.

Còn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt, tỷ lệ nợ xấu đã leo từ 2,4% thời điểm đầu năm lên 3,87%. Tổng số nợ xấu là 511 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn lên tới 231 tỷ đồng, chiếm 45% tổng nợ xấu.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các ngân hàng vẫn có cách nào đó che giấu bớt nợ xấu. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn ở mức cao có liên quan đến việc xử lý phân loại nợ. Theo khai báo của các ngân hàng thì nợ xấu chỉ ở mức hơn 3% nhưng con số của Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính thức chiếm đến 8,6% tổng dư nợ, tương đương 202.000 tỷ đồng. Như vậy, các ngân hàng đã giấu nợ xấu dẫn đến mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng vẫn còn thấp.

Theo Vietnamnet

Từ khóa: