Sự kiện hot
5 năm trước

Ngân hàng LienVietPostBank: Kẻ vui, người buồn?

Trong nhiều năm liền, thù lao của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) LienVietPostBank được đánh giá là “cao chót vót” trong giới ngân hàng nhưng thu nhập bình quân của người lao động và thị giá cổ phiếu lại xếp hạng áp chót, chỉ 7.900 đồng/cổ phiếu…

Thù lao lãnh đạo “chót vót”, người lao động chịu cảnh “bọt bèo”

Trong nhiều năm gần đây, thu nhập bình quân của người lao động tại Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã có bước tiến chuyển biến rõ rệt.

Năm 2015, thu nhập bình quân của người lao động tại LienVietPostBank là 12,43 triệu đồng/tháng, năm 2016 sụt giảm còn 12,34 triệu đồng/tháng. Đến năm 2017, thu nhập tăng vọt lên 17,1 triệu đồng/tháng nhưng lại giảm mạnh trong năm 2018 chỉ còn 14,33 triệu đồng/tháng.

HĐQT, BKS của LienVietPostBank có thù lao lên tới 303 triệu đồng/tháng, cao nhất nhì ngành ngân hàng…

Mặc dù chỉ 14,33 triệu đồng/tháng trong năm 2018 nhưng so với năm 2016, thu nhập bình quân của người lao động LienVietPostBank đã tăng 16,1% và xếp trên Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank) trong danh sách 17 ngân hàng có cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.

Thu nhập bình quân của người lao động LienVietPostBank đã tăng trưởng đáng kể trong những năm qua. Trong khi đó, thù lao của HĐQT LienVietPostBank chưa hề thay đổi trong nhiều năm liền dù kết quả kinh doanh thấp hay cao, thụt lùi hay tăng trưởng. Những tưởng đây là con số mà HĐQT, BKS đã chia sẻ khó khăn với cổ đông với người lao động.

Nhưng không, thù lao cố định hàng năm của HĐQT, BKS LienVietPostBank lên tới 40 tỷ đồng năm. Đây là con số “trong mơ” của nhiều HĐQT, BKS các ngân hàng lớn. Hiện nay, HĐQT và BKS LienVietPostBank có 11 thành viên, tính bình quân thù lao của mỗi thành viên đạt 303 triệu đồng/tháng.

Thù lao “cao chót vót” nhưng HĐQT, BKS đã không mang lại cho cổ đông kết quả tương xứng. Năm 2018, ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 1.800 tỷ đồng, cổ tức 12%. Nhưng 5 tháng sau, LienVietPostBank đã phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 33,33% còn 1.200 tỷ đồng, cổ tức từ 12% xuống còn 10%.

Kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 1.213 tỷ đồng. HĐQT, BKS và Ban lãnh đạo LienVietPostBank “vui mừng” thông báo đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra. Nhưng thực tế, lợi nhuận trước thuế năm 2018 đã giảm 31,4% so với cùng kỳ năm trước và chỉ bằng 67,4% kế hoạch được đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 thông qua.

Lợi nhuận trước thuế giảm mạnh nhưng thù lao của HĐQT, BKS chỉ giảm tượng trưng 2,85% từ 40 tỷ đồng xuống còn 38,86 tỷ đồng. Đã đến lúc, ngân hàng này thay đổi cách chi trả thù lao cho HĐQT, BKS theo lợi nhuận sau thuế đạt được như cách các ngân hàng khác (ACB, BIDV, HDBank, MB, VietinBank, Vietcombank…) đang áp dụng để khuyến khích sự nỗ lực của các “đầu tàu” trong LienVietPostBank.

HĐQT, BKS thiếu niềm tin vào cổ phiếu LPB?

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/6, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank giậm chân tại chỗ ở mức giá 7.900 đồng/cổ phiếu, xếp vị trí áp chót trong danh sách 17 cổ phiếu ngành ngân hàng. Giá cổ phiếu LPB chỉ xếp trên SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn và đứng sau hàng hoạt ngân hàng kém tên tuổi hoặc phải nằm trong diện tái cơ cấu như: cổ phiếu NVB (Ngân hàng TMCP Quốc Dân - NCB), KLB (Ngân hàng TMCP Kiên Long - KienLongBank), STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank), EIB (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank)…

HĐQT, BKS của LienVietPostBank có thù lao lên tới 303 triệu đồng/tháng, cao nhất nhì ngành ngân hàng…

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 tổ chức vào ngày 28/3/2018 cũng là ngày kỷ niệm 10 năm ngày thành lập LienVietPostBank, cổ đông sáng lập và Chủ tịch HĐQT tại thời điểm đó là ông Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ trước đại hội: Cổ phiếu LPB đang có rất nhiều tiềm năng với mạng lưới phủ sóng 63 tỉnh, thành trên cả nước và hơn 10.000 điểm giao dịch cung cấp sản phẩm dịch vụ đến tận huyện, xã. LienVietPostBank trong trắng như cậu bé lên 10, mạnh khỏe bẻ gãy sừng trâu của một chàng trai tuổi 17, có kinh nghiệm chín chắn qua nửa đời phiêu bạt của một người đàn ông ở tuổi 50.

Ông Nguyễn Đức Hưởng còn khẳng định: Nhà đầu tư nước ngoài đang sẵn sàng mua cổ phiếu LPB với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, gấp đôi giá thị giá đang giao dịch tại UPCoM. Con trai của ông Nguyễn Đức Hưởng góp phần “minh họa” khi mua vào hàng triệu cổ phiếu LPB. Tin vào điều này, nhiều nhà đầu tư đã “xuống tiền” mua thêm LPB.

Tuy nhiên, cổ đông nhỏ lẻ của LienVietPostBank đã đặt niềm tin sai chỗ. Hơn một năm qua, vốn hóa của LienVietPostBank đã bị “bốc hơi” hơn 54%. Sau khi không tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023, việc giao dịch cổ phiếu không phải đăng ký trước, ông Nguyễn Đức Hưởng đã nhanh chóng bán 30 triệu cổ phiếu LPB ngay trong 2018, giảm sở hữu từ 4,95% xuống còn 0,27%. Có thể nói, đây là cú “thoát hàng vĩ đại” của nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng.

Vào đầu năm nay, LienVietPostBank chào bán 200 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ 26,67%. Trên sàn, giá cổ phiếu LPB chỉ dao động 8.600 - 9.700 đồng/cổ phiếu nên rất ít nhà đầu tư bỏ ra 10.000 đồng để mua cổ phiếu phát hành thêm của LienVietPostBank. Kết thúc đợt phát hành, ngân hàng chỉ bán được 17.647.177 cổ phiếu, tương đương 8,8%. Số lượng ế lên tới 182.352.823 cổ phiếu.

Ngay sau đó, ngân hàng này phân phối được 83 triệu cổ phiếu cho 6 cá nhân có hộ khẩu tại TP.HCM và Bắc Ninh. Nhưng liệu các cổ đông này có thực sự chi 830 tỷ đồng để mua cổ phiếu LPB hay không vẫn là dấu hỏi lớn. Bởi vì, họ sẽ lỗ ngay lập tức 10% so với việc mua cổ phiếu trên sàn mà lại bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

LienVietPostBank chỉ phát hành được 8,8% khối lượng trong đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu trong đợt phát hành hồi đầu năm. Điều này, chứng tỏ rất ít cổ đông đang nắm giữ những vị trí trong HĐQT, BKS, ban Tổng Giám đốc và cổ đông lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã tham gia mua cổ phiếu phát hành thêm. Những người giữ những vị trí cao nhất, gắn bó với ngân hàng lâu nhất như ông Nguyễn Đình Thắng, ông Phạm Doãn Sơn, ông Nguyễn Đức Cử, bà Chu Thị Lan Hương… còn không có niềm tin vào giá trị của LPB thì làm sao những cổ đông nhỏ lẻ có thể tham gia góp vốn vào ngân hàng này.

Nhóm Phóng viên
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: