Mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB - Mã: NVB) đã phát đi thông cáo về việc cấp tín dụng cho Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết.
NCB cho biết trong thời gian qua ngân hàng đã cấp tín dụng cho Tập đoàn FLC để phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. Các khoản cấp tín dụng này đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quy định nội bộ của NCB và đều có tài sản bảo đảm.
Trong trường hợp có phát sinh rủi ro, NCB sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của NCB.
Cũng như hai ngân hàng trước, NCB đánh giá "doanh nghiệp có nguồn thu và dòng tiền để tự tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ với ngân hàng".
"FLC hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hai lĩnh vực kinh doanh là du lịch nghỉ dưỡng và hàng không bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong suốt hai năm vừa qua. Giai đoạn khó khăn nhất đã qua, các hoạt động du lịch và hàng không đều đã dần khởi sắc, hoạt động kinh doanh trở lại bình thường", thông cáo viết.
Bên cạnh đó, NCB khẳng định luôn tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước, có trách nhiệm với phát triển kinh tế, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, NCB luôn coi trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, đối tác, cổ đông.
Theo báo cáo tài chính quý IV của FLC, Tập đoàn vay nợ ngân hàng khoảng 6.200 tỷ đồng, chiếm gần 26% nợ phải trả. Các ngân hàng cấp tín dụng cho FLC gồm: Sacombank, BIDV, OCB, NCB, Agribank,... Dư nợ của FLC tại NCB vào cuối năm 2021 là 634 tỷ đồng.
Kinh doanh tụt dốc, nợ xấu tăng mạnh
Tính đến hết 2021, dư nợ cho vay khách hàng của NCB tăng nhẹ 3% so với đầu năm. Quy mô tiền gửi của khách hàng gồm cả cá nhân và tổ chức đều giảm mạnh ở mức xấp xỉ 10%. Tổng tài sản của ngân hàng chỉ ở mức 73.700 tỷ đồng, giảm hơn 15.00 tỷ so với cuối năm trước.
Chất lượng tài sản của NCB cũng đi xuống rõ rệt do tác động của Covid-19 khi nợ nhóm 2 tăng gấp 4,4 lần lên 3.155 tỷ đồng, nợ xấu nhóm 3 tăng gần gấp 10 lần lên 600 tỷ, nợ xấu nhóm 4 tăng gấp đôi lên 180 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này tăng từ mức 1,51% hồi đầu năm vọt lên 3% vào cuối 2021.
Trong quý IV/2021, nhà băng này lỗ hơn 200 tỷ, chủ yếu do thu nhập từ hoạt động tín dụng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ hoạt động kinh doanh ghi nhận trong các quý trước tốt hơn, tính chung cả năm, NCB không báo lỗ nhưng kết quả kinh doanh không cải thiện so với 2020. Cả năm, nhà băng này báo lãi hơn 2 tỷ đồng.
Thời điểm vừa qua, NVB đã công bố kết quả đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng trong đợt phát hành tăng vốn. Theo đó, ngân hàng đã hoàn tất phát hành 150 triệu cổ phiếu cho 535 nhà đầu tư theo phương thức thực hiện quyền mua với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Cụ thể, hơn 148,5 triệu cổ phiếu đã được bán ra cho 533 nhà đầu tư. Trong đó, 515 nhà đầu tư trong nước mua vào 132,1 triệu cổ phiếu và 18 nhà đầu tư nước ngoài mua vào 17,9 triệu cổ phiếu.
Hà My
Theo KTDU