Ngân hàng Nhà nước vừa tuyên bố sẽ cấm các ngân hàng chia cổ tức cuối năm nếu không trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước vừa tuyên bố sẽ cấm các ngân hàng chia cổ tức cuối năm nếu không trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro nợ xấu.
Bớt trích để tăng lợi nhuận
Mặc dù mức lợi nhuận bình quân của các nhà băng tính đến hết quý 3 giảm hơn nhiều so với cùng kỳ nhưng nếu trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) đầy đủ, đúng quy định, nhiều tổ chức tín dụng sẽ hết lãi, thậm chí còn bị thua lỗ.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện nay, với mỗi khoản huy động, ví dụ 10 đồng, các NHNN phải dành 3% cho dự trữ bắt buộc, 10% dự trữ thanh khoản. Ngoài ra, khi bắt đầu cho vay, NH còn phải trích 0,75% cho dự phòng chung (dành cho những tổn thất chưa xác định được trong quá trình phân loại nợ). Khoản trích lập dự phòng “nặng” nhất khi ứng với mức độ rủi ro từng món nợ, NH phải trích lập dự phòng tăng dần. Cụ thể, nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) không cần trích lập; nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) 5%; nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn) 20%; nhóm 4 (nghi ngờ) 50%; nhóm 5 (có nguy cơ mất vốn) 100%.
Mức trích DPRR này không phải quá thấp, nhưng đặt trong bối cảnh nợ xấu toàn hệ thống rất lớn hiện nay (8,6% tương đương hơn 200.000 tỉ đồng -nguồn NHNN), và con số lợi nhuận lớn của các NH khiến nhiều chuyên gia đặt dấu hỏi.
Đơn cử tại Vietinbank, hết quý 3/2012 nợ cần chú ý của nhà băng này gần 4.000 tỉ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn hơn 1.700 tỉ đồng, nợ nghi ngờ 3.528 tỉ đồng, nợ có nguy cơ mất vốn 2.603 tỉ đồng. Một chuyên gia tài chính cho biết, nếu xét theo chuẩn của nước ngoài, mỗi khoản vay ra đều trích dự phòng bằng 100%, con số phải trích lập DPRR của Vietinbank sẽ không ít như báo cáo tài chính là 2.800 tỉ đồng. Ngay cả chưa cần đến các chuẩn mực này, thì với nợ xấu cao nói trên, trích lập DPRR hiện tại chưa tương xứng.
Một điểm đáng chú ý, 2 khoản mục mà Vietinbank trích gần như không đáng kể gồm mức dự phòng giảm giá cho khoản mục 2.600 tỉ đồng chứng khoán đầu tư giữ đến khi đáo hạn và chứng khoán để bán 67.000 tỉ đồng, NH cũng chỉ dự phòng 250 tỉ đồng. Ngoài ra, công nợ tiềm ẩn của NH là 54.653 tỉ đồng cũng chỉ được dự phòng có 432 tỉ đồng. “Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vừa qua và sắp tới luôn tiềm ẩn nguy cơ giảm giá, còn những khoản công nợ như bảo lãnh tín dụng cũng rất khó đòi trong bối cảnh doanh nghiệp thua lỗ, nợ nần như hiện nay, nếu NH không trích lập sẽ rất đáng lo ngại”, chuyên gia này nhận xét.
Tương tự, tại Eximbank, chi phí DPRR chỉ 200 tỉ đồng, trong khi thực tế riêng nợ xấu nhóm 4 của NH là 308 tỉ đồng, nhóm 5 là 804 tỉ đồng. NH cũng không trích dự phòng cho khoản đầu tư chứng khoán gần 15.000 tỉ đồng. Còn Sacombank, nợ nhóm 4 là 503 tỉ đồng, nhóm 5 là 421 tỉ đồng, NH trích chi phí DPRR 484 tỉ đồng. Đối với khoản đầu tư chứng khoán gần 19.000 tỉ đồng, NH cũng chỉ trích lập dự phòng hơn 200 tỉ đồng.
Nợ xấu tăng nhưng lợi nhuận của các ngân hàng vẫn rất cao - Ảnh: Ngọc Thắng
Rủi ro từ lãi ảo
Theo nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm, giấy không bao giờ gói được lửa, nợ xấu nếu cứ che đậy, được gói bởi những khoản trích lập không đầy đủ rồi một ngày NH đó cũng sẽ bị đốt cháy bởi khoản nợ dồn cục và vượt quá sức chịu đựng thanh khoản.
Trong khi đó, tổng giám đốc một NH cổ phần, thẳng thắn cho biết, nếu trích lập đầy đủ, trung thực thì không bao giờ NH có lãi lớn như vậy. Thủ thuật này sẽ đẩy NH đó dần ngập sâu vì lãi ảo. Đó là chưa kể mức trích lập DPRR hiện nay theo quy định của NHNN còn khá thấp, chưa tương xứng với mức độ rủi ro của món vay. Theo lãnh đạo trên, khi tính số tiền dự phòng cụ thể phải trích, các NH được trừ đi tỷ lệ nhất định trên giá trị tài sản thế chấp nên số tiền thực tế bị giảm đi rất nhiều.
Trích ít, trích thiếu là nguyên nhân khiến nợ xấu tăng tới 66% trong 10 tháng qua, nhưng lợi nhuận của các NH vẫn rất cao. Đó là phần nổi của tảng băng chìm trong việc xử lý nợ xấu làm lành mạnh, an toàn hệ thống mà NHNN chưa thể xử lý dứt điểm suốt thời gian qua.
Điều chỉnh lợi nhuận để xử lý nợ xấu
Đó là chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong văn bản phát đi chiều ngày 27.11 tới các tổ chức tín dụng. Theo đó, các NH phải rà soát, đánh giá lại khả năng phát mại của tài sản bảo đảm, giá trị thị trường của tài sản bảo đảm để xác định hợp lý giá trị và tỷ lệ khấu trừ của tài sản bảo đảm, trích lập tối đa DPRR, tạo nguồn để xử lý nợ xấu bằng DPRR ngay trong năm 2012. Căn cứ tình hình kinh doanh và xử lý nợ xấu, xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012 ở mức hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu trong năm 2012.
Bên cạnh đó, NH phải tích cực phân loại nợ đầy đủ và chủ động sử dụng dự phòng cụ thể để xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ nhóm 5 theo quy định về việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động NH của tổ chức tín dụng...
T.Xuân - A.Vũ
|
Anh Vũ
Theo Thanhnien