Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào 9 tỷ USD, cung ứng ra thị trường 180.000 tỷ đồng. Cơ quan này cũng đã bơm ra 60.000 tỷ đồng để phục vụ các chương trình nông nghiệp và nông thôn.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào 9 tỷ USD, cung ứng ra thị trường 180.000 tỷ đồng. Cơ quan này cũng đã bơm ra 60.000 tỷ đồng để phục vụ các chương trình nông nghiệp và nông thôn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Từ đầu năm đến nay, NHNN đã đưa ra thị trường một lượng tiền lớn, có thể nói là "khủng khiếp".
Cụ thể, NHNN đã mua vào 9 tỷ USD, cung ứng ra thị trường là 180.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trong tháng 2/2012, NHNN đã bơm ra 60.000 tỷ đồng để phục vụ các chương trình nông nghiệp và nông thôn.
Đó là chưa kể, cuối năm 2011, để cứu các ngân hàng mất khả năng thanh khoản, NHNN đã "bơm" ra thị trường 30.000 tỷ đồng.
"Chính vì vậy mà thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện đáng kể. Từ chỗ cuối quý 4/2011, các ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ hàng loạt, nhưng đến nay thanh khoản trong hệ thống ngân hàng được cải thiện đáng kể", Thống đốc Bình nhấn mạnh.
Một lượng tiền lớn được cung ứng ra thị trường, cùng với lạm phát giảm là cơ sở để NHNN tiếp tục hạ trần lãi suất huy động VND xuống 9%/năm, kể từ ngày 11/6 tới. Theo đó, đây sẽ lần giảm lãi suất huy động VND thứ 4 kể từ đầu năm đến nay.
Còn nhớ, lần đầu tiên trong năm NHNN điều chỉnh lãi suất từ mức 14%/năm xuống 13% vào ngày 13/3. Các lần tiếp theo diễn ra vào 11/4 và 28/5 với mức giảm lần lượt về 12% và 11%/năm.
Theo dự kiến, thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các bộ ngành để thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, góp phần xử lý khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng (tương đương 10% nợ xấu toàn hệ thống). Do đó, chi phí vốn của các ngân hàng thương mại phải gánh 10% nợ xấu nên chi phí vốn thực tế vẫn còn rất cao. NHNN cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá; có chính sách cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn ngân hàng, hỗ trợ vốn cho vay mua nhà nhằm giải tỏa hàng tồn kho đối với bất động sản.
Hiện lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng khoảng 50.000 tỷ đồng. Nếu giải ngân được khoản này, sẽ giúp cải thiện thanh khoản hệ thống ngân hàng thêm khoảng 50.000 tỷ đồng. Đây cũng là một nguồn vốn lớn để đẩy mạnh tín dụng những tháng cuối năm.
Theo Dân trí