Ngân hàng Nhà nước vừa đồng loạt ban hành hai văn bản điều chỉnh giảm lãi suất, cả lãi suất tiền gửi lẫn lãi suất cho vay, có hiệu lực kể từ ngày 19/11/2019. Trước đó, hàng loạt ngân hàng đã rục rịch giảm lãi suất tiền gửi. Ở chiều cho vay, ngân hàng tiên phong giảm lãi suất là Vietcombank.
Ngân hàng Nhà nước 'lệnh' giảm lãi suất, các ngân hàng rục rịch nhập cuộc
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu giảm lãi suất cho vay, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, NHNN đã ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực kể từ ngày 19/11/2019.
Cụ thể, NHNN đã ban hành Quyết định số 2415/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD) theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Riêng lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Cùng với đó, NHNN cũng ban hành Quyết định số 2416/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.
Ngay trước khi các quyết định trên có hiệu lực, lãi suất tiền gửi của hàng loạt ngân hàng đã ghi nhận mức giảm đáng kể.
Cụ thể, sáng 18/11, Vietcombank giảm 0,2 điểm% với khoản tiền gửi kỳ hạn từ 1-9 tháng, các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được giữ nguyên ở mức 6,8% đối với cá nhân và 6,5% đối với doanh nghiệp.
VietinBank cũng giảm 0,2 điểm% với hầu hết kỳ hạn từ dưới 1 tháng – trên 36 tháng. Lãi suất cao nhất của nhà băng hiện nay là 6,8% một năm (12 tháng và trên 36 tháng), giảm 0,2 điểm% so với trước đó.
MB cũng giảm nhẹ lãi suất 0,1 điểm% ở hầu hết kỳ hạn từ ngắn đến trung, dài hạn. Lãi suất cao nhất của MB hiện nay là 7,4% một năm.
Bên cạnh đó, TPBank cũng điều chỉnh mức lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy (với các khoản tiền gửi dưới 100 tỷ) từ 7,8% một năm xuống 7,5% một năm. Một số kỳ hạn khác như 6 tháng, 9 tháng cũng giảm 0,1 điểm% so với trước.
Từ tuần trước, một số ngân hàng như VPBank, Eximbank, VietCapitalBank... đã giảm lãi suất huy động 0,1-0,2 điểm%.
Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có Vietcombank tuyên bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm 0,5 điểm% cho các khoản vay hiện hữu bằng VND của doanh nghiệp.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank tiết lộ, việc giảm lãi suất này sẽ có tác động trực tiếp tới trên 320.000 tỷ đồng dư nợ của Vietcombank. Do đó, lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm 260 - 300 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận năm đã đề ra vẫn không bị ảnh hưởng vì Vietcombank sẽ nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí trích lập dự phòng và giảm thiểu chi phí hoạt động, theo chia sẻ từ Chủ tịch Vietcombank.
"Động thái này của ngân hàng sẽ giúp các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn trong việc vay vốn để sản xuất kinh doanh. Hiện tại, dư địa tín dụng của ngân hàng từ nay đến cuối năm còn 5%", ông Thành nhấn mạnh.
Minh Tâm
Theo Vietnamfinance