Sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước chấp thuận cho một số NH được nới hạn mức (room) tín dụng, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại dòng tiền sẽ chảy vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản và chứng khoán, gây nguy cơ nợ xấu và áp lực lạm phát.
Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không quản chặt hoạt động cho vay, dòng tiền sẽ chảy vào bất động sản hoặc chứng khoán sau khi các ngân hàng được nới tăng trưởng tín dụng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Việc nới room được thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước cố gắng nâng mức tăng trưởng tín dụng năm 2017 lên 21-22% thay vì mức 18% như kế hoạch đề ra từ đầu năm, đồng thời tiếp tục giảm lãi suất cho vay 0,5% để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Theo tính toán của các chuyên gia, để đạt được mức tăng như định hướng, những tháng cuối năm sẽ phải cung ra thị trường 700.000 tỉ đồng, mức khá cao so với những năm gần đây.
Nới room kèm điều kiện
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhóm Ngân hàng thương mại gốc nhà nước được nới room lên mức khoảng 18%.
Chẳng hạn, Vietcombank và VietinBank cùng được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 16% lên 18%. Trong khi đó, một số Ngân hàng cổ phần như SCB, ACB... được tăng room tín dụng lên 20%.
Theo ông Phạm Mạnh Thắng - Phó tổng giám đốc Vietcombank, dù cho tăng hạn mức tín dụng nhưng NH Nhà nước yêu cầu các NH tập trung vốn cho một số lĩnh vực ưu tiên. Riêng những lĩnh vực có độ rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán..., các Ngân hàng phải giám sát chặt chẽ nguồn vốn.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), cũng cho rằng quan điểm của Ngân hàng Nhà nước khi nới room cho các ngân hàng là tăng tín dụng có kiểm soát.
Do vậy, hạn mức tín dụng được nới không nhiều. Như SCB đầu năm được cho phép tăng tín dụng với tỉ lệ 14%, giờ đã thực hiện gần hết room và được nới lên 20%, tăng 6% so với mức đầu năm.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số Ngân hàng, đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét lại.
Nếu Ngân hàng nào đã sử dụng hết hạn mức được cấp, tăng tín dụng an toàn và hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cấp thêm hạn mức.
"Khi cấp thêm hạn mức, Ngân hàng Nhà nước đồng thời cảnh báo các Ngân hàng phải tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tránh phát sinh thêm nợ xấu mới, không tập trung vốn vào bất động sản" - tổng giám đốc một Ngân hàng cho biết.
Theo một số Ngân hàng, việc Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng ở mức hạn chế, rồi nới dần về những tháng cuối năm cũng là phương án quản lý tốt, nhằm định hướng dòng vốn vào những lĩnh vực an toàn và hiệu quả, tránh việc chạy quá trớn sau đó "thắng không kịp" như đã từng xảy ra.
Chẳng hạn, năm 2016 từng xảy ra tình trạng nhiều Ngân hàng dừng giải ngân vào tháng cuối năm do hết hạn mức, sau đó tín dụng được "bung" khá mạnh trong những tháng đầu năm 2017.
"Đây là lý do mới chỉ 7- 8 tháng nhưng nhiều Ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức cho vay vốn được giao trong năm 2017, phải xin Ngân hàng Nhà nước cho nới room để có thể cho vay trong những tháng cuối năm" - một lãnh đạo Ngân hàng nói.
Vốn sẽ chảy vào đâu?
Dù vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng nếu không quản chặt chất lượng tín dụng cũng như thực hiện những biện pháp nhằm ổn định lãi suất, việc nới tăng trưởng tín dụng có khả năng làm phát sinh nợ xấu, do tiền sẽ vào những lĩnh vực không mong muốn như chứng khoán, bất động sản hoặc cho vay tiêu dùng.
Một chuyên gia cho biết trong báo cáo kinh tế kỳ tháng 5, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã cảnh báo có tình trạng các Ngân hàng "lách" cho vay bất động sản khi đưa các khoản cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà ở vào cho vay tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhiều Ngân hàng cho rằng khó có cửa cho dòng tiền chảy vào những lĩnh vực không mong muốn, do NH Nhà nước quản chặt đầu ra dòng vốn, chưa kể các Ngân hàng cũng cam kết không rót vốn vào những lĩnh vực nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, cho biết sẽ ưu tiên các lĩnh vực ưu tiên như phục vụ kinh doanh của các doanh nghiệp, cho vay thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu, cho vay phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Với những lĩnh vực khác, Ngân hàng sẽ chọn lọc khách hàng để đảm bảo chất lượng tín dụng.
Tương tự, lãnh đạo VietinBank cũng cho biết với hạn mức tín dụng được tăng lên 18%, Ngân hàng này sẽ có dư địa để cho vay, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm.
"Riêng với bất động sản, chúng tôi sẽ kiểm soát chặt, chỉ cho vay với những dự án tốt và có giá bán phù hợp, không cho vay để đầu cơ" - một lãnh đạo Ngân hàng này khẳng định.
Nhiều NH khác cũng cho biết sẽ tập trung cho vay vào lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Còn lĩnh vực cho vay tiêu dùng, trong đó có cho vay để mua nhà ở trả nợ từ lương hoặc kinh doanh..., khó có khả năng tăng đột biến trong những tháng cuối năm do giá nhà đất trên thị trường đã ở mức khá cao.
Nhiều áp lực cho lạm phát
Ông Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng với đặc thù kinh tế VN, dòng tiền rất dễ đi chệch hướng, chảy vào bất động sản thay vì đi vào các lĩnh vực sản xuất nếu được bơm vốn nhiều.
"Theo tính toán của chúng tôi, nếu tăng tín dụng thêm 1%, tác động của nó lên tăng trưởng kinh tế rất ít so với hậu quả gây nên lạm phát. Như vậy, việc bơm tín dụng không hẳn mang lại kết quả tăng trưởng mong muốn" - ông Thiên nói, đồng thời cho rằng thay vì nới tín dụng, VN cần phải cải cách cơ cấu kinh tế để tăng trưởng kinh tế VN giai đoạn 2018-2020 cao và bền vững hơn.
N.BÌNH ghi
Chuyên gia Cấn Văn Lực:
Chuyên gia Cấn Văn Lực - Ảnh: L.THANH
Chỉ nới room với ngân hàng có nợ xấu dưới 3%
Việc nới tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 6,7%, nhưng tín dụng không phải là nguồn lực duy nhất để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Bởi tín dụng đóng góp khoảng 60% tổng lượng vốn đầu tư toàn xã hội.
Nếu 60% này hiệu quả, trong khi 40% còn lại không hiệu quả cũng không giúp mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Hơn nữa, việc phấn đấu đưa tăng trưởng tín dụng đạt mức 21-22% như Chính phủ vừa đặt ra chỉ nên hiểu là định hướng, mong muốn của Chính phủ.
Còn về nguyên tắc, không nên tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá mà vẫn phải đảm bảo tín dụng chảy vào các lĩnh vực ưu tiên.
Tín dụng phải phối hợp tốt với chính sách khác, để đảm bảo không gây áp lực về lạm phát quá lớn. Đặc biệt, tín dụng tăng trưởng không được gây thêm nợ xấu.
Do đó, theo tôi, NH Nhà nước nên căn cứ vào 3 tiêu chí để phân bổ thêm cho các NH, gồm năng lực quản lý rủi ro tín dụng, năng lực tăng tín dụng (đã chạm ngưỡng tăng trưởng tín dụng được phê duyệt) và nợ xấu dưới 3%.
Lê Thanh ghi
Ánh Hồng
Theo Tuổi trẻ Online