Sự kiện hot
3 ngày trước

Ngân hàng triển khai nhiều gói tín dụng hấp dẫn thu hút doanh nghiệp

Trong bối cảnh kinh tế đang trên đà phục hồi, các ngân hàng tại Việt Nam tích cực triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn. Từ lãi suất hấp dẫn đến điều kiện vay vốn linh hoạt, các chương trình này đang tạo đà quan trọng để doanh nghiệp cải thiện dòng tiền, mở rộng sản xuất và tăng trưởng đầu tư.

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy lãi suất cho vay bình quân của các NH thương mại đến tháng 9-2024 đối với khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7% - 9,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).

Tin vui cho doanh nghiệp: Ngân hàng sắp giảm thêm lãi suất cho vay tối  thiểu 1,5 - 2%
Ngân hàng triển khai nhiều gói tín dụng hấp dẫn thu hút doanh nghiệp .

Theo đó, các gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp được các NHTM thiết kế riêng cho từng đối tượng khách hàng như: cá nhân và doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh liên tục tung ra nhằm đẩy vốn vay ra nền kinh tế trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, hạn mức (room) tín dụng còn nhiều.

Đơn cử như NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang triển khai gói tín dụng ngắn hạn quy mô 15.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân và DN.

Cụ thể, với khách hàng DN, lãi suất vay chỉ từ 4,5%/năm và khách hàng cá nhân chỉ từ 5,5%/năm khi vay sản xuất - kinh doanh, áp dụng cho kỳ hạn vay tối đa 3 tháng.

NH Đông Nam Á (SeABank) tung gói vay 5.000 tỉ đồng lãi suất từ 4,5%/năm áp dụng cho khách hàng cá nhân bổ sung vốn kinh doanh (kỳ hạn 3 tháng); lãi suất 5,5%/năm (kỳ hạn 6 tháng) và 6,7%/năm (kỳ hạn 12 tháng).

Đối với các khoản vay trung dài hạn mục đích vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng, lãi suất là 5,5%/năm (kỳ hạn từ 12 tháng), miễn phí trả nợ trước hạn sau 5 năm…

Được biết, từ đầu năm đến nay, Agribank đã triển khai 6 gói tín dụng ưu đãi cho DN. Trong đó, gói tín dụng đặc thù cho DN quy mô 20.000 tỉ đồng có lãi suất từ 2,6%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng. DN trong lĩnh vực nông - thủy sản, chế biến và nhập khẩu nguyên phụ liệu có thể tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất rất ưu đãi này. 

Tại NH Á Châu (ACB), gói tín dụng 5.000 tỉ đồng cho các DN trong chương trình kết nối ở TP HCM, với lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5,5%/năm và lãi suất cho vay trung dài hạn từ 6,4%/năm cũng đang được triển khai.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng dù lãi suất cho vay bất động sản hạ sâu nhưng người mua nhà “lấn cấn” chưa vay vốn do thời hạn vay ưu đãi chỉ 2-3 năm, sau đó áp dụng lãi suất thả nổi. Hơn nữa, hiện nhiều dự án nhà ở xã hội, kể cả nhiều dự án nhà ở thương mại vẫn ách tắc thủ tục, đắp chiếu thời gian dài, đây là lý do chính khiến việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi chậm trễ.

Tại TP HCM, số liệu của NHNN Chi nhánh TP HCM cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng của hệ thống chưa tới 6%, thấp hơn mặt bằng bình quân của cả nước, dù lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp.

Ngân hàng thương mại là gì?

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính - bất động sản Toàn Cầu, cho rằng nếu không có lãi suất phù hợp, không có thời gian phù hợp cho người đi vay, tất cả những gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng hay 30 nghìn tỷ đồng đều “có tiếng nhưng không có miếng”. Gói 120 nghìn tỷ đồng đến nay lượng giải ngân quá ít, điều này cho thấy nhiều vấn đề nảy sinh.

Đưa ra đề xuất tháo gỡ khó khăn khi giải ngân các gói tín dụng ưu đãi, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu lãi suất cao hơn 5%, thời gian cho vay thấp hơn 20 năm, một gia đình rất khó để mua nhà, ngay cả có hỗ trợ từ các gói 120 nghìn tỷ đồng, 30 nghìn tỷ đồng, bởi GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm nay khoảng 4.700 USD, ở mức thấp.

Giá nhà ở thương mại khoảng 5 tỷ đồng, nhà ở xã hội 2,5 tỷ đồng, nếu vay tối đa 80% giá trị căn nhà, với lãi suất 5%/năm trong 20 năm, dư nợ gốc giảm dần thì người mua nhà phải trả gốc và lãi 13 triệu đồng/tháng. Thu nhập của gia đình ít nhất khoảng 26 triệu để trả nợ ngân hàng và sinh hoạt.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cũng nhìn nhận nguồn vốn cho thị trường bất động sản thực sự khó khăn, xuất phát từ nội tại của chính thị trường. Hiện, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, hàng tồn kho lớn, thủ tục phê duyệt dự án kéo dài dẫn đến dự án không được phê duyệt, rủi ro tăng cao. Điều này khiến các bên cung cấp tín dụng, cung cấp nguồn vốn cho thị trường cũng phải cân nhắc.

Ông Nguyễn Hoàng Dương lưu ý thêm về nguồn cung, nhóm nhà ở cao cấp dường như đang thừa, kể cả đất nền và biệt thự hiện tồn kho rất lớn, giá nhà hiện nay cũng là một bài toán phải tính toán.

Trong khi đó, nhà ở xã hội đang thiếu, nhà ở tầm trung giá đang rất cao, dù người mua nhà được hỗ trợ lãi suất 5% nhưng giá 60-70 triệu đồng/m2 tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đang quá tầm với người dân.

Bên cạnh nguyên nhân do khan hiếm nguồn cung, biến động về giá bất động sản ở mức cao phi lý thời gian qua là do giới đầu cơ mua đi bán lại, lướt sóng kiếm lời cùng nhiều chiêu trò thổi giá được nhiều người dân phản ánh...

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: