Về nguyên tắc, các ngân hàng vẫn phải tất toán vàng đúng hạn quy định, hạn chót là 25.11, song ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể xem xét điều chỉnh với một vài ngân hàng quá khó khăn để đảm bảo thanh khoản cho họ, đồng thời tránh tác động tiêu cực cho thị trường.
Về nguyên tắc, các ngân hàng vẫn phải tất toán vàng đúng hạn quy định, hạn chót là 25.11, song ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể xem xét điều chỉnh với một vài ngân hàng quá khó khăn để đảm bảo thanh khoản cho họ, đồng thời tránh tác động tiêu cực cho thị trường.
Nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, cho rằng, có bốn cách để các ngân hàng thương mại cân đối được trạng thái. Thứ nhất là đề nghị người gửi vàng bán lại cho ngân hàng, nhận tiền đồng (VND) với giá hợp lý. Thứ hai, các ngân hàng đang âm trạng thái phải đi vay của các ngân hàng thương mại khác. Thứ ba, mua vàng trên thị trường để trả cho người gửi vàng. Thứ tư, đề nghị NHNN cho phép nhập khẩu vàng.
Chật vật đóng trạng thái
Hiện đa phần các ngân hàng đang thực hiện cách thứ ba, tức là mua vàng trên thị trường để cân bằng trạng thái. Mặc dù các ngân hàng cũng không dám mua vào mạnh tay, song thị trường vẫn chịu tác động không nhỏ, đẩy giá vàng lên cao, chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước với thế giới, giữa giá vàng SJC và phi SJC.
Theo phó tổng giám đốc ngân hàng ACB Nguyễn Thanh Toại, ACB vẫn tiếp tục mua vàng vào để đưa trạng thái vàng về không (0) trước thời điểm 25.11 như yêu cầu của thống đốc NHNN. “Hội đồng quản trị ngân hàng chúng tôi đã ra nghị quyết đóng trạng thái vàng, nhưng tiến độ đóng ra sao thì phải liên tục điều chỉnh, theo tín hiệu thị trường”, ông Toại nói. Việc điều chỉnh, theo giải thích của ông Toại, là khi giá vàng trên thị trường đang tăng cao, cầu quá cao trong khi cung thấp, ngân hàng phải giảm lượng mua vào, và ngược lại. Lãnh đạo ngân hàng phải bám sát diễn biến thị trường vàng thế giới, trong nước đến từng phút, điều chỉnh linh hoạt, sao cho việc đóng trạng thái của ACB cũng như hệ thống ngân hàng không bóp méo thị trường. “Trạng thái kinh doanh vàng của chúng tôi đã và đang giảm dần. Tuy nhiên, để tất toán đúng thời hạn của NHNN là rất khó”, ông Toại thừa nhận.
Đây cũng là lo lắng của lãnh đạo nhiều ngân hàng có hoạt động kinh doanh vàng. Trả lời câu hỏi của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về khả năng tất toán đúng hạn, phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng ngắn gọn: “Rất căng thẳng!” Thông tin chúng tôi nắm được, còn 7 – 8 ngân hàng vẫn đang chật vật chạy đua với thời gian, chạy đua với thị trường theo yêu cầu của NHNN và chỉ còn biết trông chờ NHNN xem xét “ân hạn”.
Giá vàng tăng cao thời gian qua có phần do các ngân hàng phải mua vào để
đóng trạng thái.
Xem xét một vài trường hợp…
“Về nguyên tắc, các ngân hàng thương mại vẫn phải thực hiện đúng quy định tất toán vàng. Tuy nhiên, NHNN có thể xem xét điều chỉnh nhỏ với một vài ngân hàng thương mại để đảm bảo thanh khoản cho họ đồng thời tránh tác động tiêu cực cho thị trường”, đại diện NHNN cho biết.
“Nếu NHNN không lùi, không giãn cho một số ngân hàng thương mại, thị trường vàng sẽ diễn biến ra sao?” Trả lời câu hỏi này của phóng viên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại lo lắng: “Thị trường vàng diễn biến sẽ rất khó lường, không loại trừ nguy cơ rối loạn, do cung cầu mất cân đối nghiêm trọng”.
Theo một chuyên gia tài chính, trong trường hợp đó, không chỉ thị trường vàng, thị trường tín dụng cũng sẽ chuyển động theo hướng thiếu tích cực. Cụ thể, khi vàng leo thang, tâm lý đổ xô vào vàng lại xuất hiện. Khi đó, một bộ phận người dân có thể rút tiền gửi tiết kiệm để đầu cơ vàng. Một số ngân hàng sẽ gặp khó khăn về thanh khoản, trong khi lượng vốn vàng sẽ chạy khỏi thị trường ngân hàng và nằm im trong két của người dân.
Ông Lê Xuân Nghĩa, nhận định, nếu NHNN xem xét linh hoạt cho một số ngân hàng thương mại, thị trường vàng sẽ dần ổn định trở lại. Về lâu dài, vẫn cần xem xét lại chính sách với vàng để huy động lượng vốn vàng rất lớn trong dân.
Tuy nhiên, nếu đã mở cửa hoạt động huy động vàng, NHNN cần cho các ngân hàng, doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu vàng tự do, nhằm giúp cân đối cung – cầu cho thị trường (hoặc chí ít, việc cấp phép nhập – xuất vàng cần được linh hoạt hơn chứ như hiện nay, khi chờ được giấy phép nhập khẩu của NHNN thì giá vàng đã lên rất cao và ngược lại). Cùng với đó, cần cho chuyển đổi vàng sang VND để cho vay nền kinh tế. Hơn hết, NHNN phải cho phép các ngân hàng được kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài để họ cân đối tài khoản một cách chủ động, có như vậy mới phòng ngừa được rủi ro. “Còn như vừa qua, chúng ta cho các ngân hàng kinh doanh vàng, song lại bịt cửa kinh doanh qua tài khoản ở nước ngoài, kiểm soát ngặt nghèo xuất – nhập khiến cho nghiệp vụ kinh doanh này trở nên hết sức rủi ro, buộc ta phải đóng lại”, ông Nghĩa nhận xét.
Theo SGTT