Sự kiện hot
12 năm trước

Ngân hàng vượt sóng dữ

Nhìn chung những khó khăn của NH trong năm 2012 không phải là vấn đề bỗng nhiên xuất hiện mà có căn nguyên từ cơ cấu của ngành NH được sự "dung túng" của các cơ quan quản lý trong nhiều năm trước.

Nhìn chung những khó khăn của NH trong năm 2012 không phải là vấn đề bỗng nhiên xuất hiện mà có căn nguyên từ cơ cấu của ngành NH được sự "dung túng" của các cơ quan quản lý trong nhiều năm trước.

Thời gian qua Việt Nam đã cấp giấy phép cho 49 NH lớn nhỏ trong bối cảnh thị trường 89 triệu dân nhưng chỉ có 20% dân số dùng dịch vụ NH. Ngoài ra còn có sự hiện diện của 50 NH nước ngoài. Số NH hoạt động tương đối lớn, nhưng con số lớn lại không phải là yếu tố quyết định, mà cái chính yếu là trình độ cán bộ NH rất kém, hầu như không được đào tạo chuyên sâu.


Vẫn đang thiếu một chính sách điều hành tiền tệ hiệu quả.

Đặc biệt, cách thức làm việc của hệ thống NH Việt Nam chưa theo đúng đòi hỏi chuẩn mực của ngành NH. Chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp mà cho vay chứ không quan tâm đầy đủ đến dự án, luồng tiền đi đâu và có khả năng hoàn vốn hay không. Trên thực tế tiền không được đầu tư vào dự án cốt lõi của doanh nghiệp mà lại đem đầu tư vào những lĩnh vực theo thời thế đang được ưa chuộng, đầu tư theo bầy đàn và nhu cầu bất chợt của người vay. Tóm lại là không có cơ sở khoa học nào.

Chính vì vậy NH Việt Nam không làm tròn hết nhiệm vụ, chức năng của NH mà chỉ đơn thuần là tổ chức cho vay là chính, mà cho vay không có mục đích rõ ràng. Vì vậy mà trong nhiều năm trước, 2007, 2008 tăng trưởng tín dụng quá cao (30-40%) đã khiến cho lạm phát của nền kinh tế cao ngất nhiều năm. Hệ quả là năm 2011, 2012 NH càng ngày càng lún sâu vào những "rắc rối" do khách quan và bản thân NH gây ra.

Cho đến thời điểm này vẫn còn 4 NH trong diện sáp nhập vẫn chưa giải quyết được và vừa rồi NHNN vừa cho gia hạn đến năm 2013.

Đặc biệt, trong 49 NH nhưng thật sự chỉ có 10-12 NH lớn hoạt động có hiệu quả và chiếm 80-85% thị phần tín dụng. 37 NH còn lại hoạt động trong thị phần chỉ 10-15%. Các NH nhỏ vì muốn chiếm thị phần nên luôn gây áp lực với các NH lớn bằng cách đẩy lãi suất lên cao. Mà lãi suất cao chính là vũ khí huy diệt hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam, khiến nền kinh tế "khựng lại" ở nhiều thời điểm. Đây là do sự quản lý không chặt chẽ của NHNN...

Tóm lại, năm 2012 hệ thống NH không phải chỉ là gặp "sóng dữ" mà như gặp phải tảng băng có khả năng "nhấn chìm" nhiều NH. Năm 2012 hệ thống NH gần như phải "chiến đấu" với hầu hết những yếu kém, khó khăn cả khách quan cả nội tại tồn tại lâu nay như: Nợ xấu, những yếu kém trong công tác quản trị, đội ngũ nhân viên NH chưa được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng chuyên nghiệp…

Nhìn một cách tổng thể, chúng ta thiếu một chính sách tiền tệ của NHNN để đưa ra một chính sách lãi suất hợp lý, để chi phối toàn nền kinh tế... Điều này đã tạo ra một hệ thống NH hoạt động hỗn loạn, mất trật tự. Nhìn xa hơn, chúng ta chưa có một sự điều hành và lộ trình để phát triển hệ thống NH trong trung và dài hạn.

Năm 2013, muốn NH vượt "sóng dữ" thì vai trò của NHNN phải mạnh mẽ hơn, kế hoạch tái cơ cấu phải được thực hiện gấp rút hơn và quan trọng hơn cả đó là cần phải hoạch định một chính sách tài chính, tiền tệ xuyên suốt để trên cơ sở đó giúp nền kinh tế hoạt động bền vững.

theo Dân Việt

Từ khóa: