Việt Nam hiện xếp thứ 5 về sản xuất và xuất khẩu chè trên thế giới nhưng giá xuất khẩu lại rất thấp, chỉ bằng 60% giá chè xuất khẩu trung bình của thế giới. Sản xuất chè manh mún, thiếu tính bền vững đã đặt ra yêu cầu cấp thiết thay đổi ngành chè, đặc biệt là việc quy hoạch lại vùng nguyên liệu.
Việt Nam hiện xếp thứ 5 về sản xuất và xuất khẩu chè trên thế giới nhưng giá xuất khẩu lại rất thấp, chỉ bằng 60% giá chè xuất khẩu trung bình của thế giới. Sản xuất chè manh mún, thiếu tính bền vững đã đặt ra yêu cầu cấp thiết thay đổi ngành chè, đặc biệt là việc quy hoạch lại vùng nguyên liệu.
Tình trạng "tranh mua, tranh bán" vẫn xảy ra thường xuyên trong ngành chè - Ảnh minh họa
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 136.000 héc ta trồng chè, cho năng suất 7 tấn/héc ta với khối lượng xuất khẩu ước đạt 131 nghìn tấn trong năm 2011, chiếm 79% tổng sản lượng chè cả năm.
Thiếu vùng nguyên liệu ổn định
Theo ông Đoàn Anh Tuân - Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, thực hiện chính sách kinh tế mở, chính quyền địa phương tại nhiều tỉnh đã cho phép các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng rất nhiều cơ sở chế biến chè mà không cần các điều kiện ràng buộc, không có chiến lược phát triển ngành chè hợp lý cho địa phương mình, không có quy hoạch đồng bộ giữa phát triển vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến. Điều này đã dẫn tới tình trạng các nhà máy được phép xây dựng tràn lan, chồng chéo vùng nguyên liệu, lấn át lẫn nhau.
Ông Tuân cho hay, có những địa phương trên cùng một xã có tới 11 nhà máy chế biến. Nhiều nhà máy chế biến có công suât dưới 10 tấn/ngày, hầu hết các cơ sở này đều đầu tư dây chuyền công nghệ lạc hậu, chắp vá.
“Nếu cộng tổng công suất của các nhà máy lại thì công suất chế biến ở hầu hết các địa phương đều vượt cao hơn so với khả năng cung cấp nguyên liệu 2 - 4 lần”, ông Tuân nói.
Nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất dẫn đến tình trạng “mua tranh, tranh cướp”. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho chất lượng sản phẩm chè Việt Nam giảm sút.
Ông Nguyễn Hữu Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Chè Việt Nam cho hay trong những năm gần đây, hàng trăm doanh nghiệp tham gia xuất khẩu và chế biến chè ra đời, nhưng hầu như có rất ít doanh nghiệp đứng ra trồng chè ngoài các doanh nghiệp 100% vốn của Đài Loan, Nhật Bản hoặc liên doanh nước ngoài như Phú Đa, Phú Bền.
Theo ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, tình trạng cạnh tranh nội bộ trong ngành chè diễn ra rất khốc liệt. Với hơn 450 cơ sở chế biến, năng lực gần1,5 triệu tấn búp tươi/năm nhưng do thiếu nguyên liệu nên các nhà máy chỉ chế biến 600.000 tấn búp tươi, bằng 40% công suất.
“Chính vì vậy hiện tượng tranh mua nguyên liệu bằng mọi giá bất chấp tiêu chuẩn, ảnh hướng đến chất lượng sản phẩm diễn ra thường xuyên”, ông Đô nhấn mạnh.
Muốn xây nhà máy chè phải có điều kiện
Để giải quyết bất cập trên theo ông Tuân, chính quyền các tỉnh phải có chính sách quản lý đầu tư nhà máy chế biến một cách hợp lý không để các doanh nghiệp đầu tư tràn lan, mà phải có những điều kiện bắt buộc như phải có vùng nguyên liệu chủ động, không ảnh hưởng đến việc tranh chấp nguyên liệu của các nhà máy hiện có.
Ngoài ra, nhà xưởng, máy móc thiết bị đầu tư phải theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, đủ điều kiện chế biến ra sản phẩm chè có chất lượng cao. Hơn nữa, nhà máy mua chè nguyên liệu cần có cam kết với nông dân trồng chè để có biện pháp hỗ trợ vùng chè phát triển ổn định lâu dài.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho hay, việc cần làm ngay là phân chia vùng nguyên liệu, tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa người trồng chè với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người làm chè.
Thùy Dung
Theo SaigonTimes Online