Sự kiện hot
3 năm trước

Ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao “lên ngôi”

Việc phát triển các ngành hàng trong chuỗi giá trị sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền công nghiệp Việt Nam.

Theo nhận định của một số chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ cả về kim ngạch lẫn cơ cấu ngành. Từ một nền kinh tế với các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, Việt Nam đang tiếp tục chuyển đổi sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Các chỉ số xuất khẩu của Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng bất chấp tình hình dịch bệnh.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 91,09 tỷ USD, tăng 14,2%, chiếm 27,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 245,22 tỷ USD, tăng 20,9%, chiếm 72,9%. Trong năm 2021 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%).

nganh cong nghiep co gia tri gia tang cao len ngoi
Nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục chuyển đổi sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 96,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 109,9 tỷ USD. Năm 2021 xuất siêu sang EU đạt 23 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 53,9 tỷ USD, tăng 52,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 34,2 tỷ USD, tăng 22,9%; nhập siêu từ ASEAN 12 tỷ USD, tăng 63,1%; nhập siêu từ Nhật Bản 2,5 tỷ USD, tăng 140%.

Xét về tốc độ tăng trưởng, nhóm ngành điện tử, máy tính và linh kiện vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Trong đó đáng chú ý, giá trị xuất khẩu của nhóm ngành này ghi nhận sự bứt phá khi vượt qua hàng dệt may từ năm 2019 đến nay. Có thể thấy, sau điện thoại và linh kiện, nhóm ngành xuất khẩu chủ lực đang chuyển dần từ mặt hàng giá trị gia tăng thấp như quần áo và giày dép sang những sản phẩm mang lại giá trị cao hơn như điện tử và linh kiện. Nói cách khác, tỷ trọng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cho thấy sự thay đổi về định hướng của ngành công nghiệp.

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết, xét tổng thể về FDI trong vòng một thập kỷ vừa qua, Việt Nam đang phát triển theo một chuỗi giá trị. Nhờ tốc độ tăng trưởng ổn định, nền kinh tế đi theo hướng xuất khẩu, sự gia tăng của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), lực lượng lao động trẻ, các chính sách ưu đãi đầu tư cùng với vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất thu hút được sự chú ý nhiều nhất trong khu vực châu Á. Bất chấp một năm 2021 đầy thách thức, Việt Nam vẫn đang tiếp tục chuyển đổi từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp có giá trị cao. Các ngành công nghiệp giá trị thấp đang dần dần hình thành ở những khu vực khác tại Đông Nam Á. Nguyên nhân là do Việt Nam không còn áp dụng các chính sách ưu đãi như trước, nên việc tìm kiếm nguồn lao động cũng như đất đai giá rẻ tại Việt Nam trở nên khá khó khăn. Tuy nhiên, nhà đầu tư của những ngành công nghiệp có giá trị cao tại nước ngoài vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Cùng chung quan điểm, một chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay đang chú trọng nâng cao công nghệ và đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển sang mô hình sản xuất sạch và sản phẩm công nghệ cao nhằm thích ứng với nhu cầu từ khách hàng. Việc phát triển các ngành hàng trong chuỗi giá trị sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền công nghiệp Việt Nam.

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), lĩnh vực sản xuất có thể đạt mức tăng trưởng 16% trong các chiến lược 4.0 vào năm 2030 nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu triển khai các công nghệ cấp trung bình. Thêm vào đó, công nghệ mới có thể giúp lĩnh vực này tăng thêm 7-14 tỷ USD trong tương lai. Để nâng cao năng lực sản xuất, các doanh nghiệp đang tích hợp các công nghệ mới nổi tại nhà máy như trí tuệ nhân tạo hay in mô hình 3D. Đơn cử, Vingroup đã bắt đầu sử dụng 1.200 robot ABB trong một số quy trình hàn của mình. Hay như, Công ty cổ phần Công nghiệp KTG - một nhà phát triển xưởng xây sẵn tại Việt Nam đã bắt đầy xây dựng các Xưởng xây sẵn 4.0 tại tỉnh Đồng Nai… Các “nhà máy công nghiệp 4.0” của những doanh nghiệp này sẽ tích hợp các nhà máy xây sẵn với công nghệ 4.0 nhằm cung cấp các giải pháp thông minh hơn, sáng tạo hơn và tối ưu hơn cho tầm nhìn phát triển.

Bàn về vấn đề này, TS. Đinh Thị Trâm, đại học Lao động - Xã hội cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần xác định rõ những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, trong đó có tính đến khả năng đón đầu xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới trong thời đại hiện nay. Từ đó, doanh nghiệp tập trung nguồn lực để phát triển sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt. Đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp FDI, giúp các doanh nghiệp nội nâng cao được năng lực, ngày càng đáp ứng yêu cầu tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn có thương hiệu quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam và tiến tới tham gia chuỗi giá trị ngành toàn cầu.

Nhật Minh
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: