Sự kiện hot
5 năm trước

Ngành Dệt may Việt Nam đang có tín hiệu tích cực

Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây. Theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may tại các dịp lễ, tết, Giáng sinh tăng cao.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020, quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%; khu vực dịch vụ giảm 1,76%.

GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020[2]. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Kết quả trên cho thấy thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%.

Đối với sản xuất dệt tháng 6 tăng 4,3% so với tháng 5 (cùng kỳ tăng 2,5%). Tính chung 6 tháng đầu năm tăng 2,8% (cùng kỳ tăng 11,5%). Sản xuất trang phục tháng 6 tăng 17,5% so với tháng trước, nhưng tính chung 6 tháng vẫn giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 8%).

Có thể nói, do ảnh hưởng của dịch Covid, trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may trong dịch bệnh Covid-19 cũng gặp nhiều khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán làm cho các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn.

Lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ước tính, ngành dệt may có thể mất tới 50% đơn đặt hàng trong tháng 5.

Bên cạnh đó, sự phục hồi của nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu giảm có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%. Trong nước, các doanh nghiệp dệt may đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi sản phầm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh, cụ thể như: khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống... đồng thời sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu.

Đến cuối quý II- 2020, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu) đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần.

Huy Đức
Theo KTDU

Từ khóa: