Sự kiện hot
4 năm trước

Ngành Game Việt Nam: Có nhiều cơ hội trở thành ngành xuất khẩu giá trị cao

Theo bảng xếp hạng của App Annie 2020, các công ty game Việt Nam đứng thứ 7 về lượt game được tải nhiều nhất trên thế giới. Cứ mỗi 25 game được tải thì có một game do công ty Việt Nam sản xuất…

Google phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), cùng nhiều công ty và chuyên gia hàng đầu ngành game tổ chức chuỗi sự kiện Think Games Vietnam trong ba ngày từ ngày 2 - 4/6/2021. Ngoài ra, công bố hai chương trình chuyên sâu hỗ trợ các công ty làm game di động tại Việt Nam phát triển tại các thị trường quốc tế.

Báo cáo Thị trường Game toàn cầu 2020 từ NewZoo cho thấy, dù trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, tổng doanh thu ngành công nghiệp game toàn cầu năm 2020 đạt 159,3 tỷ USD, tăng trưởng 9% so với 2019, trong đó phân nửa đến từ game di động. Đây là những con số lạc quan trong bối cảnh các ngành kinh tế hay lĩnh vực khác đang tụt dốc do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.

Châu Á là thị trường game lớn nhất, chiếm gần nửa trong tổng doanh thu tính theo khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh bên cạnh châu Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi.

Theo các số liệu khả quan gần đây cho thấy, thị trường game ở Việt Nam có tiềm năng lớn và đã có nhiều đột phá trên thị trường thế giới. Từ cú hích game Flappy Bird năm 2015 đến nay, danh sách các công ty game đứng đầu khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương về lượng tải game 2021 trên toàn cầu do App Annie công bố, đã có 5 công ty đến từ Việt Nam.

Trong chuỗi sự kiện Think Games Vietnam, Google công bố 2 chương trình gồm Gaming Growth Lab và GameCamp Việt Nam nhằm tạo ra bệ phóng thúc đẩy cho ngành công nghiệp game tại Việt Nam có những bước tiến khởi sắc.

Gaming Growth Lab là một chương trình tập huấn và đào tạo 3 tháng dành cho 30 công ty game tiềm năng được lựa chọn. Trong suốt 12 tuần, các công ty được chọn sẽ được đào tạo bài bản về lý thuyết và thực hành với các ví dụ điển hình đã gặt hái thành công trong ngành: xây dựng mô hình kinh doanh game hoàn chỉnh, phát triển sản phẩm game chất lượng, tiếp cận người chơi và tạo ra doanh thu hiệu quả, bứt phá với việc mở rộng hoạt động ra các thị trường quốc tế.

"Cứ mỗi 25 game được tải về thì có 1 game do công ty Việt Nam sản xuất" (nguồn: App Annie - 2020)

Nhiều năm qua, Google đã có nhiều chương trình và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho ngành ở các cấp độ như Google Developer Groups, Developer Student Clubs…, giúp họ tiếp cận quy trình làm game chuyên nghiệp và đưa các sản phẩm xuất sắc của công ty game Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Bà Trâm Nguyễn - Giám đốc quốc gia Google châu Á - Thái Bình Dương (phụ trách Lào, Campuchia và Việt Nam), cho biết: “Google đã đồng hành cùng các nhà phát triển ứng dụng và startup tại Việt Nam từ một thập kỷ nay. Sự kiện Think Games, dự án GameCamp, chương trình Gaming Growth Lab dành riêng cho các công ty và cá nhân đam mê làm game tại Việt Nam, Google hy vọng, có thể sớm thấy sự tăng trưởng vượt bậc của ngành game của Việt Nam trên thị trường quốc tế, trở thành ngành kinh tế xuất khẩu giá trị cao, góp phần hỗ trợ quá trình hồi phục kinh tế Việt Nam trong và sau đại dịch”.

“Cái mà ngành game Việt Nam đang thiếu, chính là một hệ sinh thái về game chưa được củng cố và phát triển hơn nữa. Tôi hy vọng sự kiện Think Games sẽ góp phần vào việc xây dựng cộng đồng game ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang đến thị trường thế giới nhiều tựa game hay mang thương hiệu Made in Vietnam”, ông Hoàng Lê Vinh - Giám đốc bộ phận Game và Simulation tại Amanotes - chia sẻ.

Đánh giá về ngành game Việt Nam, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), cho rằng: Dù là ngành kinh doanh giàu tiềm năng, và thực tế game đang là ngành duy nhất xuất khẩu được sản phẩm nội dung số của Việt Nam ra thế giới, song game ở Việt Nam chưa có được sự nhìn nhận thiện cảm từ xã hội. Giải toả những định kiến, gỡ bỏ những rào cản về pháp lý và đưa ra những chính sách nhằm khuyến khích ngành game phát triển là rất cần thiết.

Hoàng Nhung

Theo KTDU

Từ khóa: