Ngành gạo sẽ tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi trong các cuộc đàm phán mậu dịch quốc tế, đặc biệt là ở những cuộc đàm phán có liên quan đến Mỹ.
Ngành gạo – vấn đề gai góc trong đàm phán thương mại quốc tế. Ảnh: Reuters
Đó là nhận định của bài viết đăng trên mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor. Bên cạnh đó, theo bài viết, thị trường gạo thế giới đối mặt với nguy cơ bị gián đoạn trong thời gian tới, trong khi xuất khẩu vẫn tập trung ở một số nhà sản xuất gạo.
Trong mấy năm qua, những biện pháp bảo hộ đã dẫn đến một số thay đổi quan trọng trên thị trường gạo. Ấn Độ, luôn là nước sản xuất gạo lớn, đã vọt lên chiếm vị trí đầu bảng các nước xuất khẩu gạo trên thế giới nhờ sự trợ giúp của các khoản trợ giá và đồng rupee yếu.
Tương tự Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang tiến hành những biện pháp để thúc đẩy sản xuất gạo trong nước. Tuy nhiên, giá gạo cao cộng với lượng tiêu thụ trong nước gia tăng đã dẫn đến nghịch lý là Trung Quốc trở thành một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới cho dù Bắc Kinh đang thực thi một số hạn ngạch ngặt nghèo đối với nhập khẩu gạo.
Các biện pháp quản lý của chính phủ đã đảm bảo rằng gạo nước ngoài chỉ chiếm tỉ lệ phần trăm nhỏ trong tổng lượng tiêu dùng của Bắc Kinh, song quy mô quá lớn của thị trường Trung Quốc vẫn khiến quốc gia này đóng vai trò thiết yếu trên thị trường gạo thế giới.
Nhu cầu lớn của Trung Quốc đối với gạo nhập khẩu sẽ không thể sớm biến mất. Tương tự, Bắc Kinh sẽ phải tiếp tục các khoản trợ giá cho người nông dân nhằm giảm 1,5% giá gạo trong vụ mùa 2017-2018.
Với quyết tâm buộc Bắc Kinh phải mở cửa thị trường, cuối năm ngoái Mỹ đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với lý do Bắc Kinh áp đặt hạn ngạch đối với nhập khẩu gạo, lúa mì và ngô. Nhưng dù Washington có thể đạt được một số thành công trong việc giành quyền tiếp cận một số sản phẩm ngũ cốc chủ chốt khác, khả năng gạo vẫn được bảo hộ chặt chẽ do tầm quan trọng của loại ngũ cốc này đối với văn hóa Trung Quốc.
Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hoạt động sản xuất gạo của thế giới không chỉ dừng ở lĩnh vực tiêu thụ và các biện pháp bảo hộ. Đơn cử như nông dân trồng lúa ở Thái Lan và Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào sông Mekong để tưới tiêu cho mùa màng, song Trung Quốc đang tìm cách giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với nguồn nước này với hy vọng gia tăng ảnh hưởng trên toàn khu vực.
Tuy nhiên, các nước sản xuất gạo tại Đông Nam Á có thể tự tạo mối đe dọa cho chính bản thân nhiều hơn là mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Thành công của nhiều chính phủ khu vực phụ thuộc nhiều vào gạo, do vậy các chính quyền thường xuyên dùng viện trợ cho lĩnh vực này để tăng cường hỗ trợ cho các cộng đồng nông thôn.
Ví dụ như Thái Lan đã chi 16 tỷ USD trong khoảng năm 2012-2014 để hỗ trợ các nông dân địa phương đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước láng giềng cũng như giá gạo thấp ở nước ngoài. Tuy nhiên, cơ cấu chính trị không ổn định cộng với nguồn ngân quỹ hao hụt đã dẫn đến nhiều điều chỉnh trong chương trình trợ giá, khiến thị trường gạo Thái Lan thêm bất ổn.
Do các chính phủ lạm dụng các hình thức trợ giá trong suốt mấy thập niên qua nên thị trường quốc tế rơi vào tình trạng dư thừa công suất. Mặc dù các chính phủ Thái Lan và Việt Nam đã có nỗ lực thuyết phục nông dân trồng gạo chuyển sang các cây trồng khác, sản lượng trên toàn cầu vẫn đạt trên 42 triệu tấn, cao hơn mức năm 2016 song hơn mức của năm 2014. Việt Nam chiếm phần lớn mức tăng sản lượng này.
Chủ nghĩa bảo hộ cũng tiếp tục được áp dụng tại các nước phát triển. Mặc dù Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ đóng vai trò nhỏ trên thị trường gạo thế giới, mỗi nước đều áp thuế quan 200% hoặc hơn đối với ngành này và chi mỗi năm hàng tỷ USD để trợ giá gạo.
Trong khi đó, các nhà sản xuất tại Mỹ, quốc gia phát triển duy nhất nằm trong nhóm 5 nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhận được sự hỗ trợ chính trị và xã hội ít hơn so với những nông dân châu Á.
Do sản lượng gạo của Mỹ cao hơn nhiều so với lượng tiêu thụ của nước này nên nông dân Mỹ phụ thuộc vào xuất khẩu để duy trì kế sinh nhai. Điều này lý giải tại sao các nhà sản xuất gạo của Mỹ thất vọng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi văn kiện này được ký lần đầu tiên: Nông dân Mỹ hầu như không được hưởng thêm quyền tiếp cận nào đối với thị trường Nhật Bản.
Trong khi đó, Mexico nhất trí xóa thuế quan cho gạo nhập khẩu từ Việt Nam - một trong những đối thủ chính của Mỹ tại thị trường Mexico. Mặc dù cuối cùng Washington đã rút khỏi hiệp định đa phương này, song lịch sử cho thấy nhiều thách thức sẽ nảy sinh trong các cuộc đàm phán song phương về những văn kiện thay cho TPP.
Đơn cử như nếu hiệp định thương mại của Mỹ với Hàn Quốc được đưa ra thảo luận, gạo có thể sẽ là vấn đề gai góc như đã từng hồi năm 2007, khi đó các nhà đàm phán đã phải loại chủ đề này ra khỏi bàn đàm phán thì mới đạt được thỏa thuận đầu tiên.
Trong những tháng tới, gạo sẽ vẫn là trung tâm của các cuộc đàm phán mậu dịch giữa các nhà sản xuất và nhà tiêu dùng gạo lớn nhất châu Á. Và như những gì đã chứng kiến tại các cuộc đàm phán song phương giữa một bên là Liên minh châu Âu (EU) và một bên là Nhật Bản, khối Mercosur và Canada, ngay cả những điểm bất đồng nhỏ cũng có thể làm trì hoãn hoặc chệch hướng các cuộc đàm phán mậu dịch, nhất là khi đụng đến vấn đề nông nghiệp.
Gạo là vấn đề không hề nhỏ đối với hầu hết các quốc gia châu Á. Tuy nhiên, trong khi một số quốc gia có thể buộc phải gạt lĩnh vực này ra khỏi các cuộc đàm phán mậu dịch để thúc đẩy các cuộc đàm phán đó, thị trường gạo sẽ tiếp tục bị phương hại do sự bất ổn và kém năng suất bắt nguồn từ những biện pháp bảo hộ thái quá.
Theo Bnews/TTXVN