Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Ngành hàng không được thúc đẩy bởi sự phục hồi của khách quốc tế

Trong kịch bản dự báo cơ sở, VNDirect kỳ vọng lượng khách quốc tế của Việt Nam đạt 12,5 triệu khách trong năm 2022 (so với 0,5 triệu khách trong năm 2021) và có thể tăng 195,2% trong năm 2023 - bằng 88,5% mức trước đại dịch.

Trong báo cáo về chiến lược đầu tư mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 không nhiều, bao gồm: khôi phục du lịch quốc tế, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng và xu hướng chuyển đổi năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ.

Công ty chứng khoán này dự báo GDP 2023 tăng 6,7%, cao hơn so với mục tiêu 6,5% của Chính phủ, song thấp hơn mức ước tính 7,9% năm 2022. Ngoài ra, lộ trình mở cửa của Trung Quốc và gia tăng cạnh tranh FDI giữa các nước trong khu vực là những biến số quan trọng đối với triển vọng kinh tế trong thời gian tới.

Trong bối cảnh xu hướng tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm 2023, khả năng các nhóm ngành được hưởng lợi cũng sẽ ít đi. Theo đó, VNDirect cho rằng việc phục hồi hàng không quốc tế sẽ đẩy lợi nhuận của mảng hàng không/dịch vụ hàng không tăng vọt trong năm 2023.

Bên cạnh đó, sau năm 2022 chậm chạp, giải ngân đầu tư công sẽ khởi sắc, nhưng cơ hội dường như chỉ sáng với các doanh nghiệp lớn trong ngành. Ngoài ra, việc chuyển đổi năng lượng sẽ mang đến rất nhiều cơ hội đầu tư, song ở giai đoạn đầu của lộ trình này, mảng hạ tầng năng lượng và một vài doanh nghiệp lấn sân năng lượng tái tạo vẫn đang được hưởng lợi.

Sau khi kiểm soát thành công dịch COVID-19 trong quý 1/2022, hàng không nội địa bắt đầu phục hồi từ tháng 4/2022 và đã vượt qua mức trước đại dịch kể từ tháng 5/2022 nhờ nhu cầu du lịch trong nước phục hồi mạnh mẽ sau dịch. Do lượng khách nội địa trong quý 3/2021 đạt mức thấp do dịch bệnh bùng phát mạnh trên toàn quốc, lưu lượng hành khách nội địa trong quý 3/2022 tăng 87 lần so với cùng kỳ, tương đương 154,7% trước đại dịch, lượng hành khách nội địa 9 tháng tăng 164,6% so với cùng kỳ, tương đương 122,9 % trước đại dịch.

Cùng với đó từ 15/2/2022, Việt Nam đã gỡ bỏ hạn chế về tần suất các chuyến bay quốc tế. Tính đến ngày 15/03/2022, Việt Nam đã đưa số lượng đường bay thường lệ về mức trước đại dịch, khôi phục chính sách thị thực như giai đoạn trước dịch. Nhờ đó, lượng hành khách quốc tế trong quý 3/2022 đã có sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 35 lần so với cùng kỳ, lên 4,9 triệu, bằng 49,8% mức trước đại dịch, đưa lượng hành khách quốc tế 9 tháng tăng 14,5 lần so với cùng kỳ, bằng 22,3% mức trước đại dịch.

Hiện có hơn 30 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 96 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 21 quốc gia/vùng lãnh thổ. Mới đây nhất, đường bay thường lệ Việt Nam - Trung Quốc đã chính mở lại lại từ hôm nay (9/12), kết thúc sự gián đoạn kéo dài gần 3 năm qua bởi COVID-19. Việc nối lại đường bay thường lệ với Trung Quốc được kỳ vọng sẽ khiến cho việc du lịch đến và đi từ Trung Quốc thuận lợi hơn.

Trong kịch bản dự báo cơ sở, VNDirect kỳ vọng lượng khách quốc tế của Việt Nam đạt 12,5 triệu khách trong năm 2022 (so với 0,5 triệu khách trong năm 2021) và có thể tăng 195,2% trong năm 2023 - bằng 88,5% mức trước đại dịch.

Do kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không Việt Nam có độ phụ thuộc lớn với lưu lượng hàng không quốc tế, nên VNDirect tin rằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc kể từ năm 2023 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường quốc tế.

Theo dự báo của VNDirect, lượng khách quốc tế của Việt Nam có thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch trong năm 2024 (bằng 105,2% mức 2019) và có thể đạt 118,9% mức 2019 trong năm 2025.

Tuy nhiên, cũng bởi lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ, trong khi nhiều dự án hạ tầng hàng không trọng điểm vẫn đang được xây dựng, VNDirect cho rằng cơ sở hạ tầng sẽ không thể theo kịp nhu cầu tăng trưởng trong ngắn hạn có thể gặp tình trạng quá tải trong giai đoạn 2023-2024.

Công ty chứng khoán này ước tính các sân bay hàng không Việt Nam có thể hoạt động ở mức 132%/142% tổng công suất thiết kế trong giai đoạn 2023-2024, trước khi giảm tải từ năm 2025 khi nhiều dự án cơ sở hạ tầng hàng không quan trọng khánh thành như sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và dự án mở rộng nhà ga T2 ở Nội Bài.

Lan Anh
Theo KTDU

Từ khóa: