Sự kiện hot
3 năm trước

Ngành thực phẩm chuyển mình qua đại dịch

Ghi nhận tại hệ thống siêu thị, chợ cửa hàng tiện lợi, có thể thấy sản phẩm của doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm phủ kín các kênh phân phối hiện nay.

Ghi nhận thị trường bán lẻ Việt Nam từ Tết Nguyên đán cho thấy, dịch bệnh tác động lớn đến công ăn việc làm, khiến người tiêu dùng tìm đến những sản phẩm thiết yếu, đáng tiền. Đặc biệt, Tết Nguyên đán đi qua, doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh tăng cao hơn 12% - 15% so với thời điểm trước đó và chiếm gần 20% tổng doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh của cả năm.

nganh thuc pham chuyen minh qua dai dich

Ông Richard Thomas, Giám đốc bộ phận Phân tích tiêu dùng của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, thực phẩm đóng gói có sự tăng trưởng đáng kể của các sản phẩm nấu ăn và đồ ăn nhẹ trong suốt năm 2020. Đến Tết cổ truyền 2021 là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh, trong đó nhóm hàng, thực phẩm có sự tăng trưởng bứt phá trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra và được dự báo, sẽ còn tăng mạnh mức độ tiêu dùng trong năm 2021. Số liệu của ngành thương mại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, thành phố là nơi tập trung số lượng doanh nghiệp sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm đông nhất cả Việt Nam, chiếm trên 70%. Với trên 2.500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đáp ứng nhu cầu về thực phẩm đồ uống chiếm tỷ lệ 35% trong cơ cấu chi tiêu của người dân thành phố. Mặc dù năm 2020 vừa qua, dịch bệnh diễn ra phức tạp, nhưng do lĩnh vực lương thực, thực phẩm là ngành hàng thiết yếu nên thị trường tiêu thụ vẫn ổn định. Thậm chí nhiều mặt hàng trong nhóm này còn có sự tăng trưởng tốt, như nhóm thực phẩm chế biến tăng 4,3%.

Ghi nhận tại hệ thống siêu thị, chợ cửa hàng tiện lợi, có thể thấy sản phẩm của doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm phủ kín các kênh phân phối hiện nay. Trong rổ hàng hóa khi mua sắm của người dân thành phố, hầu hết đều có sản phẩm của những thương hiệu quen thuộc như, ABC Bakery, Acecook, Sài Gòn Food, Cholimex, Vinamilk, San Hà, Ba Huân... Sự lựa chọn này của người tiêu dùng là do các doanh nghiệp đã chủ động đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế, điều chỉnh các dòng sản phẩm mang tính tiện ích hơn, sáng tạo ra sản phẩm mới sử dụng những nguyên liệu vốn là thế mạnh trong nước. Cụ thể như các doanh nghiệp Ba Huân, San Hà… là những cơ sở chuyên kinh doanh thịt, trứng gia cầm, đã không dừng lại ở những sản phẩm thịt trứng tươi sống, mà đã tích cực sản xuất thêm nhóm sản phẩm chế biến chín ăn liền như gà muối, gà xông khói, trứng kho...

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm đã xây dựng được một thị trường sản phẩm phong phú, qua các dịp lễ, tết, thời điểm giãn cách xã hội không để cho người dân phải thiếu lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, giữ giá ổn định được thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, do tình hình dịch bệnh bùng phát từ đầu năm 2020, người dân thay đổi xu hướng tiêu thụ thực phẩm, trong đó ưu tiên nhóm sản phẩm ăn liền, chế biến chín và đồ hộp. Vì vậy, lượng tiêu thụ đồ hộp của Vissan tăng gần 100%, xúc xích tiệt trùng tăng 15% - 20%, nhóm hàng đông lạnh tăng trên 20%. Công ty phải tăng 3 ca/ngày, để đủ cung ứng lượng hàng cho sức mua của người dân và số lượng dự trữ lưu kho đảm bảo sẵn sàng đáp ứng 39% nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố và 61% nhu cầu cả nước.

Bắt đầu năm 2021, doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm dự báo vẫn khó khăn ít nhất nửa năm 2021. Vì vậy, doanh nghiệp vừa duy trì mở rộng thị trường nội địa, vừa tăng tìm hiểu thị trường xuất khẩu. Theo bà Lý Kim Chi, các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Châu Âu, ASEAN, Nhật Bản… là những thị trường tiêu thụ tốt hàng nông, lâm, thủy, sản, lương thực, thực phẩm chế biến. Đặc biệt, Việt Nam hiện đã ký các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với hầu hết các quốc gia trên, nên hàng nông, thủy, hải sản, lương thực thực phẩm chế biến, nếu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật là thuận lợi gia nhập thị trường khu vực và quốc tế và còn được hưởng thuế suất ưu đãi tuyệt đối 0%. Điều này tạo cho hàng Việt sức cạnh tranh mới.

Thanh Thanh
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: