Sự kiện hot
11 năm trước

Ngành thuế cần có chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp

Tại Hội nghị ổng kết công tác thuế năm 2013 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2014, diễn ra tại Hà Nội ngày 14/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh năm 2014, ngành thuế cần tiếp tục có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tạo tăng trưởng hợp lý trong đó cần phân loại nợ hợp lý, có kế hoạch thu, xử lý nợ đọng.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng ngành thuế phải tiếp tục công tác chống gian lận chuyển giá, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế, tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ để thực hiện công vụ thuế cho tốt, tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ ban ngành, đối thoại với các doanh nghiệp.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm, ngành thuế sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2014, đảm bảo vượt tối thiểu 5% dự toán pháp lệnh đã được Quốc hội, Chính phủ giao cho cơ quan thuế quản lý.

Ngành đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phấn đấu đạt mức tối thiểu 14,65% trên số doanh nghiệp đang hoạt động thuộc địa bàn quản lý thuế, trong đó tập trung đối với các doanh nghiệp có hoạt động liên kết, doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá; doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử. Ngành tổ chức thực hiện thu đầy đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước các khoản thu phát hiện qua thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, ngành tăng cường công tác hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế của Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo theo dự toán chi hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2014 đã được Quốc hội thông qua.

Ngành tăng cường công tác khai thuế qua mạng Internet theo hướng mở rộng đối tượng tham gia và chú trọng chất lượng, hạn chế tối đa việc gửi các báo cáo giấy; phấn đấu hết năm 2014, hơn 90% người nộp thuế là doanh nghiệp thực hiện nộp tờ khai thuế điện tử; tiến hành đàm phán, tiến tới ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các quốc gia và vũng lãnh thổ đảm bảo theo kế hoạch đề ra.

Ngành chú trọng công tác kiểm tra nội bộ, tập trung kiểm tra vào công tác miễn, giảm thuế; giãn nộp thuế, xóa nợ thuế, gia hạn thuế và những đơn vị phát sinh nhiều đơn thư khiếu tố... ; đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong việc đầu tư, mua sắm tài sản, vật tư và chi tiêu tài chính nói chung cũng như việc tuyển dụng, đề bạt, nâng lương, khen thưởng và kỷ luật cán bộ.

Theo Tổng cục Thuế, kết quả thu năm 2013 ước đạt 676.696 tỷ đồng, bằng 105% so với dự toán (tương ứng vượt 32.196 tỷ đồng) và bằng 112,7% so với thực hiện năm 2012. Cụ thể, thu dầu thô ước đạt 120.436 tỷ đồng, bằng 121,7% so với dự toán (tương ứng vượt 21.436 tỷ đồng), bằng 86% so với thực hiện năm 2012; thu nội địa ước đạt 556.260 tỷ đồng, bằng 102% so với dự toán (tương ứng vượt 10.760 tỷ đồng), tăng 17,8% so với thực hiện năm 2012.

Có 47/63 địa phương đánh giá hoàn thành dự toán pháp lệnh (bao gồm cả thu dầu thô), còn 16/63 địa phương không hoàn thành dự toán.

Tổng số thuế truy thu qua thanh tra, kiểm tra năm 2013 đạt gần 13.200 tỷ và giảm lỗ là 11.430 tỷ đồng.

Cơ quan thuế đã triển khai tích cực nhiều biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế. Tính đến ngày 30/11/2013, toàn ngành đã thu được 52% số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2012, trong đó tiền thuế nợ trên, dưới 90 ngày thu được là 58,7%.

Có 30 địa phương có số nợ thuế tăng cao (trên 30%) so với năm 2012; 12 địa phương có số nợ thuế tăng trên 20% đến 30%; 14 địa phương có số nợ thuế tăng dưới 20% so với năm 2012 và 7 địa phương có số nợ thuế giảm so với năm 2013.

Thùy Dương
theo TTXVN

Từ khóa: