Ngành thuế đề xuất bỏ một loạt chỉ tiêu trên bảng kê thuế giá trị gia tăng (VAT) mà hiện tại doanh nghiệp đang tốn hơn 100 giờ mỗi năm để thực hiện. Ngoài ra, mức doanh thu khai thuế VAT theo quý sẽ được nâng từ 20 tỷ đồng/năm lên 50 tỷ đồng/năm để tiết kiệm thời gian nộp thuế.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: TTXVN)
Nói kỹ hơn về những giải pháp này, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng Ban cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế cho hay, trong những đề xuất của mình, ngành thuế tập trung vào việc giảm thời gian doanh nghiệp phải chuẩn bị tài liệu, rà soát, ghi chép số liệu để thực hiện kê khai thuế. Thời gian chuẩn bị này theo ông chiếm phần lớn trong khoảng hơn 500 giờ nộp thuế mỗi năm của các đơn vị.
Về thuế giá trị gia tăng, đại diện ngành thuế cho hay, hiện doanh nghiệp đang phải thực hiện một loạt động tác chuẩn bị nộp thuế như rà soát các hóa đơn VAT đầu vào, phải nhập các thông tin chưa có trên phần mềm kế toán như số hiệu, ký hiệu hóa đơn, mặt hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải kê khai các hóa đơn không đủ điều kiện khấu trừ, ròa soát và điều chỉnh những khoản thanh toán không dùng tiền mặt,...
Bởi vậy, theo ông Nguyễn Quang Tiến, những yêu cầu này đã được ngành thuế đề xuất sửa và lược bỏ. Giải pháp này được ông đánh giá sẽ là có sức ảnh hưởng khá lớn và sẽ giảm được số giờ phải nộp thuế VAT khoảng 156 giờ.
Một giải pháp khác đang chú ý về thuế VAT được ông Tiến nhắc tới là nâng mức doanh thu khai thuế VAT theo quý từ 20 tỷ đồng/năm lên 50 tỷ đồng/năm. Đây là giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhưng theo ông Tiến, đề xuất này có thể giúp tiết kiệm thêm hơn 29 giờ mỗi năm.
Với thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Tiến cho hay, giải pháp bỏ quy định khai tạm tính thuế hàng quý và chỉ khai theo quyết toán năm có thể giúp giảm 47 giờ. Bên cạnh đó, ngành thuế cũng đề xuất thống nhất thời điểm ghi nhận doanh thu cho mục đích thuế với các chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế để bớt được khoảng 45 giờ mỗi năm cho doanh nghiệp.
"Nếu thực hiện những giải pháp trên thì ước tính thời gian nộp thuế có thể giảm khoảng 290 giờ mỗi năm," ông Tiến nói.
Đánh giá về những giải pháp trên, ông Tiến cho rằng, đây hoàn toàn là những giải pháp khả thi tạo điều kiện cho người nộp thuế và không ảnh hưởng tới số thu ngân sách. Cũng theo ông, hiện tại Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ những giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Với những giải pháp thuộc ngành tài chính, ông Tiến cho hay, phía Bộ Tài chính sẽ có thông tư sửa đổi những nội dung liên quan.
"Như Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã cho biết trước đó, những thay đổi này có thể thực hiện ngay trong tháng Chín," ông Tiến nói.
Có cái nhìn dài hơi hơn, đại diện ngành thuế khẳng định sẽ coi ứng dụng công nghệ thông tin và công tác quản lý là một trong những nền tảng cơ bản.
"Chúng tôi sẽ đánh giá lại những giải pháp để tìm ra những biện pháp quản lý tốt hơn. Ngành thuế thuế sẽ quyết tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho người nộp thuế," ông Nguyễn Quang Tiến cho hay./.
Trước đó, Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business) do Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng Sáu cho thấy, Việt Nam là quốc gia có thời gian tiêu tốn cho nộp thuế gần như cao nhất khu vực với 872 giờ mỗi năm. Con số này cao gấp 4 lần mức trung bình của các nước châu Á - Thái Bình Dương và cao hơn Indonesia (259 giờ), Thái Lan (264 giờ), Phillipines (193 giờ), Malaysia (133 giờ) và Singapore (82 giờ)
Tới cuối tháng Bảy, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng từ nay đến cuối năm 2014 cần giảm thời gian thực hiện thủ tục khai, nộp của doanh nghiệp còn không quá 300 giờ một năm. Đến năm 2015, con số này phải đạt ngang mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ).
Xuân Dũng
theo Vietnam+