Sự kiện hot
5 năm trước

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Cái nết đánh chết cái đẹp

Nói về công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ Việt Nam, dân gian đã có câu khẳng định trên. Sự so sánh ấy có thể là khập khiễng nhưng ẩn chứa ý nghĩa sâu xa đề cao yếu tố ĐẠO ĐỨC. Cái ĐẸP là kết quả của tình yêu bố mẹ. Để có cái đẹp vẹn toàn phải gắn liền cái NẾT.

Sự kết hợp hài hòa giữa cái nết và cái đẹp mới tạo nên người phụ nữ hoàn hảo như ý. Nên người đời lại dặn: cái đẹp không thể mài ra mà ăn được! Tuy có xấu người một chút nhưng bù lại được cái nết nên cũng vui rồi! Mọi thời đại, khi nói về phụ nữ, chưa bao giờ người ta bênh vực người con gái đẹp mà kém đạo đức là thế.

Lịch sử truyền thống phụ nữ Việt Nam được định hình ở việc lưu giữ hình ảnh, tấm gương sáng đẹp của những người phụ nữ có công xây dựng và bảo vệ đất nước: nữ tướng Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyễn Thị Kim Ngân... Nhiều phụ nữ được xem là nhân vật lịch sử. Tên tuổi và cống hiến của họ cho đất nước, dân tộc được ghi nhận trong sử sách dân tộc.

Cùng với tài năng, đức độ, không ít phụ nữ “tài sắc vẹn toàn”. Không phải ngẫu nhiên xã hội lại đề cao, tôn vinh cái NẾT (đạo đức, phẩm hạnh) của người phụ nữ. Nhờ có yếu tố ấy, phẩm chất ấy mà họ mới vừa đảm đương được thiên chức người mẹ, người vợ, tề gia nội trợ và phấn đấu để thành đạt trong cuộc sống. Có phụ nữ là chính khách, thành đạt, nổi tiếng đôi khi phải chịu thiệt thòi, vượt qua muôn vàn khó khăn, nhất là sự bình đẳng giới để khẳng định mình; lại có người thua thiệt về nhan sắc nhưng họ có tài năng, tận tâm cống hiến đều được xã hội trân quý, nể trọng. Điểm khác giữa nam và nữ là ở chỗ đó.

Lược lại quá trình hình thành, phát triển của phụ nữ Việt Nam sẽ thấy bức tranh tuyệt đẹp về họ. Sự bình đẳng giới được phát huy tối đa, phụ nữ được giải phóng hoàn toàn, họ cũng không hề thua kém đấng mày râu ở rất nhiều lĩnh vực của đời sống. Đương nhiên, mỗi một người đều có thế mạnh và điểm yếu bởi giới tính. Vì thế, khi lựa chọn và phân công lao động, tính chất nghề nghiệp buộc tổ chức, đơn vị, cơ quan phải chọn nam hoặc nữ để có thể phát huy, khai thác tốt thế mạnh nơi họ.

Mỗi năm, kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3, có rất nhiều cách thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh họ từ xã hội, người thân. Có một điều cần khẳng định ở nước ta, phụ nữ ngày càng được quan tâm, chia sẻ, động viên, khích lệ để họ mạnh mẽ hơn, xinh đẹp hơn, thành công và hạnh phúc hơn. Cần nhắc lại câu nói có tính triết lý: không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm cho mình đẹp. Thật ra, cái đẹp tự nhiên và nhân tạo luôn song hành. Nhờ công nghệ phát triển những khiếm khuyết của phụ nữ (và cả nam giới) đều có thể được khắc phục; chưa đẹp, xấu có thể “lột xác” thành được, đẹp. Người phụ nữ kém đạo đức cũng có thể trở thành người tốt nếu biết tự sửa mình, từ người bị đáng ghét thành người thật đáng yêu!

Phái yếu và phái mạnh là hai khái niệm để phân biệt tạm thời, ước lệ về giới tính. Trong trường hợp cụ thể điều ấy có thể bị hoán đổi, thay thế. Nhưng bao giờ phụ nữ cũng được xem là phái yếu nên phổ biến là luôn được đàn ông chở che, chia sẻ, giúp đỡ, nhường nhịn, bênh vực. Có thể vì thế thế giới không có “ngày quốc tế đàn ông” nhưng cánh mày râu đâu có ghen tỵ, trái lại luôn lấy làm tự hào về điều đó.

“Phụ nữ là một nửa của thế giới” luôn là định đề bất biến! Họ luôn là những bông hoa tươi đẹp của vườn hoa cuộc đời. Mọi người luôn tôn trọng, đề cao và chăm chút vun trồng để hoa luôn tươi đẹp, tỏa hương ngát thơm cho cuộc đời này! Phụ nữ hãy biết tự biết giá trị bản thân để hoàn thiện mình, trước hết là phẩm hạnh để luôn đẹp về tâm hồn và tươi trẻ khỏe đẹp về hình thức. Bài viết này của tác giả xin thay cho lời chúc tốt đẹp đến chị em phụ nữ nhân ngày kỷ niệm đáng nhớ này!

Văn Hùng
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: