“Năm 2012 là năm tận thế chỉ là câu chuyện tín ngưỡng tôn giáo của người Maya chứ không phải khoa học,” Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, một trong những nhà vật lý thiên thể hàng đầu thế giới, chia sẻ.
“Năm 2012 là năm tận thế chỉ là câu chuyện tín ngưỡng tôn giáo của người Maya chứ không phải khoa học,” Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, một trong những nhà vật lý thiên thể hàng đầu thế giới, chia sẻ.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Cũng theo ông Thuận, trong khoa học có câu chuyện ở một thời điểm nào đó các hành tinh sẽ trùng nhau trên một đường thẳng, nhưng dù chúng trùng nhau thì cũng không có chuyện gì xảy ra. Vị Giáo sư cười nói: “Không chỉ năm 2012 mà năm 2000 cũng đã từng được người dân coi là năm tận thế, nhưng bây giờ là năm 2011 và chúng ta vẫn đang ngồi đây.”
Đó là những chia sẻ của Giáo sư Trịnh Xuân Thuận trong buổi trò chuyện về thiên văn cùng sinh viên trường Đại học FPT tối qua, ngày 8/12/2011.
Tại buổi giao lưu, Giáo sư Thuận đã chia sẻ những bức ảnh chính ông chụp được từ kính viễn vọng Hubble nổi tiếng, chiếc kính mà chỉ một số ít nhà khoa học nghiên cứu về vũ trụ và thiên văn trên thế giới có cơ hội được sử dụng.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận cũng kể về hành trình tìm đến, theo đuổi và giành được những thành công với bộ môn khoa học nhiều thách thức là vật lý học thiên thể. Đó là khi chàng trai trẻ 19 tuổi Trịnh Xuân Thuận lần đầu tiên được ngước lên nhìn bầu trời qua kính thiên văn.
Những chia sẻ ấy đã cổ vũ tinh thần rất lớn cho những sinh viên trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường về những đam mê và sự kiên trì theo đuổi đến cùng đam mê đó để đạt đến thành công.
Cuộc trò chuyện với sinh viên Đại học FPT là một trong chuỗi hoạt động của Giáo sư Thuận nhân dịp ra mắt cuốn sách “Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao” do Nhà xuất bản Tri thức phát hành và chuyến làm việc dài hơn 20 ngày của ông tại Việt Nam. Trong lần trở về nước này, ông đã giành nhiều thời gian để gặp gỡ, trò chuyện và truyền cảm hứng, khơi gợi đam mê khoa học trong thế hệ trẻ.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948, là nhà vật lý học thiên thể người Mỹ gốc Việt. Ông sinh ra ở Việt Nam nhưng sang nước ngoài sống từ khi còn rất trẻ. Ông tốt nghiệp Viện Công nghệ California và Đại học Princeton trước khi trở thành giáo sư ngành vật lý thiên văn học tại Đại học Virginia.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận được coi là bậc thầy của ngành vật lý học thiên thể với hơn 120 công trình đăng trên các tạp chí và kỷ yếu các hội nghị khoa học.
Ông còn được biết đến với khả năng diễn đạt nội dung khoa học bằng ngôn từ của thi ca, và bằng sự lãng mạn của một người có tâm hồn hòa đồng với vũ trụ. Ông đã cho ra mắt nhiều đầu sách có giá trị về vũ trụ học và mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo như "Giai điệu bí ẩn" (1988), "Big Bang" (1992), và sau đó là "Hỗn độn và hài hòa" (1998)...
Ông được vinh dự nhận giải Moron 2007 của Viện Hàn lâm Pháp và sau đó là giải Kalinga năm 2009 của UNESCO về những đóng góp trong việc phổ biến khoa học vũ trụ./.
Phạm Mai
theo Vietnam+