Lễ hội Lục Bát Việt Nam diễn ra vào ngày 6/8 âm lịch hằng năm tại Hà Nội và một số tỉnh thành, do những người yêu thơ Lục Bát tự tổ chức liên tục, kể từ năm Kỷ Sửu – 2009, bằng kinh phí xã hội hóa.
Năm nay là tròn 12 năm Lễ hội Lục Bát. Một con số nhiều ý nghĩa với lịch Thiên can và Địa chi. Xin được điểm lại đôi nét về Ngày hội độc đáo và đậm màu sắc văn hóa dân tộc này.
Cách đây 12 năm, từ sự khởi xướng của Nhà thơ Đặng Vương Hưng, một nhóm những người yêu Thơ Lục Bát đã thành lập website Lục Bát Việt Nam (http://www.lucbat.com/), đề tạo một diễn đàn trên internet, tôn vinh thể thơ thuần Việt nhất, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và đậm đà bản sắc dân tộc. Trong 12 năm qua, website đã quy tụ hàng ngàn cây bút sáng tác Lục Bát từ khắp mọi miền đất nước và cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đăng tải hàng vạn bài thơ, bài nghiên cứu về Lục Bát xưa và nay. Nhiều cây bút từng là Quản trị viên của Website Lục Bát đã trưởng thành, được các giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tác thơ và trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Nhà thơ Đinh Thường (hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng); nhà thơ Vũ Thiên Kiều (Kiên Giang); nhà thơ Đặng Cương Lăng và nhà thơ Chử Thu Hằng (Hà Nội)…
Khi mạng xã hội facebook phát triển mạnh, nhóm Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội facebook (https://www.facebook.com/groups/2141260285915819) đã thu hút được gần một vạn thành viên tự nguyện và nhiệt tình tham gia.
Để chuẩn bị cho Ngày Thơ Lục Bát lần thứ 12, năm 2020, Ban Điều hành Cộng đồng Mạng Lục Bát Việt Nam đã phối hợp với một số CLB Thơ, tổ chức tuyển chọn và biên soạn một ấn phẩm duy nhất mang tên “Lộc Phát Canh Tý – 2020” (ruột in giấy xốp nhẹ đặc biệt, đóng bìa cứng) phục vụ cho các nghi lễ trong Ngày Hội Lục Bát. Đó là tập thơ Lục Bát mới nhất, với sự góp mặt của hàng trăm tác giả, do nhà thơ Trương Nam Chi làm Chủ biên, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cấp phép ấn hành.
Như vậy, trong 12 năm liên tiếp, “Lộc Phát” đã “điểm mặt và gọi tên” đủ 12 con giáp: Kỷ Sửu – 2009, Canh Dần – 2010, Tân Mão - 2011, Nhâm Thìn - 2012, Quý Tỵ - 2013, Giáp Ngọ - 2014, Ất Mùi – 2015, Bính Thân – 2016, Đinh Dậu – 2017, Mậu Tuất – 2018, Kỷ Hợi – 2019 và Canh Tý – 2020. Điều thú vị là theo lịch âm thì năm Canh Tý cũng là khởi đầu của một Thiên Can và Địa Chi mới. Nói cách khác, sự khép lại cũng chính là sự mở đầu của một giai đoạn mới…
Với việc biên soạn và phát hành bộ sách Lộc Phát nêu trên, nhà thơ Trương Nam Chi đã được xác lập Kỷ lục Quốc gia năm 2018: “Chủ biên Bộ sách thơ Lục Bát tự chọn "Lộc Phát” 10 tập, được phát hành trong nhiều năm liên tục nhất (2008 - 2018)”.
Với thành tích 10 năm liền tổ chức thành công Ngày hội Lục Bát bằng kinh phí xã hội hóa hàng tỷ đồng, trong Ngày thơ Lục Bát Mậu Tuất - 2018 nhà thơ Đặng Vương Hưng đã được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Người khởi xướng và tổ chức lễ hội Lục bát Việt Nam nhiều năm liên tục nhất (2008-2018)”.
Đặc biệt, trong năm Kỷ Hợi – 2019, lần đầu tiên Website Lục Bát Việt Nam đã phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam và một số cơ quan đơn vị, tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Thơ Lục Bát với Di sản văn hóa dân tộc”. Kỷ yếu Hội thảo đã tập hợp được hơn 30 bài tham luận, nghiên cứu chuyên sâu về Thơ Lục Bát xưa và nay, của các tác giả đến từ mọi miền đất nước và người Việt ở nước ngoài.
Hoàng Nhung
Theo KTDU