Một Việt Nam đậm đà bản sắc song không kém phần hiện đại và cởi mở sẽ được tái hiện qua chương trình “Ngày Việt Nam tại Thuỵ Sỹ năm 2021” diễn ra vào ngày 9/10 tới.
“Ngày Việt Nam tại Thụy Sỹ năm 2021” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Sỹ (11.10.1971 – 11.10.2021). Chương trình không chỉ là sự kiện ngoại giao thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai quốc gia mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới công chúng ở Thuỵ Sỹ và châu Âu.
Văn minh lúa nước có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của người Việt
“Chúng tôi hy vọng rằng chương trình sẽ góp sức vào việc quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam đến cộng đồng kiều bào, công chúng và các đối tác quốc tế, qua đó những giá trị truyền thống và văn hoá Việt tiếp tục được lan tỏa rộng rãi và trở thành cầu nối gắn kết các quốc gia trên thế giới”, ông Trần Quốc Khánh, Vụ phó Vụ Ngoại Giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao chia sẻ.
Chương trình có sự tham gia của nhiều khách mời đặc biệt như các chính trị gia, doanh nhân, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, người đại diện cộng đồng… Họ sẽ chia sẻ những trải nghiệm, góc nhìn đa dạng, giúp khán giả khám phá Việt Nam theo cách chân thực nhất.
"Ngày Việt Nam tại Thụy Sỹ năm 2021" gồm 5 phần chính: Xin chào Thụy Sỹ! Xin chào Châu Âu!, Văn hóa cội nguồn, Việt Nam diệu kỳ, Các thế hệ tương lai và Hẹn gặp tại Việt Nam.
Trong sự kiện tổ chức trực tuyến, những điều thú vị về mảnh đất chữ S sẽ được các khách mời chia sẻ trong 2 phần Văn hóa cội nguồn và Việt Nam diệu kỳ.
"Để làm nên sức hấp dẫn của một vùng đất, yếu tố văn hóa được xem như cội nguồn dung dưỡng mà càng đào sâu, ta lại càng thấy gắn bó, mến yêu hơn quê hương, xứ sở" - thông điệp này sẽ được truyền tải trong phần “Văn hóa cội nguồn” qua chia sẻ của GS.TS Bùi Quang Thanh - Nguyên phó phụ trách mảng văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Hát then là nét văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc
Lăng kính của một nhà nghiên cứu văn hóa sẽ giúp người xem hiểu hơn về dòng chảy văn hóa của nền văn minh lúa nước, từ thuở ban sơ đến hiện đại để tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Bên cạnh đó, chương trình cũng mang đến các tiết mục hát then và nhã nhạc cung đình Huế, vốn là 2 loại hình nghệ thuật đã được vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới. Thông tin cụ thể về hai di sản này và công tác quảng bá văn hoá Việt Nam đến bạn bè quốc tế sẽ được GS.TS Bùi Quang Thanh chia sẻ với khán giả.
Ngoài ra, đến với Việt Nam, du khách sẽ có trải nghiệm không quên khi thưởng thức những món ăn Việt hài hòa, tinh tế nhưng không kém phần đa dạng.
Do có nền văn minh lúa nước lâu đời, người Việt luôn ưu ái và dành tâm sức phát triển các món ăn làm từ gạo. Gạo là thứ nguyên liệu giản dị nhưng đầy dưỡng chất, là ngọc thực nuôi dưỡng bao thế hệ người Việt. Trong làng ẩm thực Việt, món ăn nổi tiếng nhất có lẽ là món phở. Trong phần tiếp nối “Việt Nam diệu kỳ”, khách mời food blogger Dino Vũ sẽ giới thiệu tới khán giả món ăn đặc sắc này.
Phở - đại sứ ẩm thực Việt Nam vang danh thế giới
Từ Hà Nội, blogger ẩm thực Dino Vũ sẽ giao lưu với điểm cầu Thụy Sỹ và hướng dẫn cách nấu phở tại nhà. Food blogger sẽ cho khán giả thấy cách xay gạo, tráng bánh để làm nên những sợi phở dai mềm, thơm ngon. Đây là cẩm nang hữu ích, giúp người Việt xa quê hay bạn bè quốc tế có thể tự thưởng thức một tô phở tươi. Ngoài ra, khán giả cũng được bật mí những bí quyết làm nên một tô phở ngọt thanh nước dùng, đậm đà hương vị và hòa quyện với các nguyên liệu tươi ngon.
Tại điểm cầu Thuỵ Sỹ, đại sứ Việt Nam Lê Linh Lan cũng được món quà là phở Việt và thưởng thức vị phở đúng chuẩn qua sự dẫn dắt của food blogger gốc Hà Nội.
Ngoài ra, nét đặc trưng làm nên sức cuốn hút của ẩm thực Việt cũng được hé mở thông qua chia sẻ của ông Michael Gerber, một du khách Thụy Sỹ đã có hơn 5 năm gắn bó tại Việt Nam. Ông Gerber hứa hẹn sẽ mang đến một góc nhìn mới mẻ, thú vị cho chương trình.
Sự thân thiện, cởi mở, gần gũi của người Việt mỗi khi “khách đến nhà” là ấn tượng sâu đậm với đông đảo bạn bè quốc tế. Đây cũng là một trong những lý do níu chân ông Michael Gerber ở lại với Việt Nam sau chuyến đi du lịch 5 năm về trước.
Chương trình sẽ được diễn ra vào lúc 15h00 – 18h00 (giờ Việt Nam) ngày 9/10/2021 với hình thức phát sóng trực tuyến từ 3 điểm cầu: Trường quay của Đài Truyền hình Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneva.
Ngoài ra, khán giả cũng có thể theo dõi trực tiếp sự kiện trên nhiều nền tảng khác như:
1. Fanpage Ngày Việt Nam ở nước ngoài
2. Youtube Ngày Việt Nam ở nước ngoài
3. Fanpage VTV4
4. Youtube VTV4
PV
Theo KTDU