Trong quan niệm của người Việt, năm Giáp Ngọ 2014 là năm của may mắn tài lộc, làm ăn thuận buồm xuôi gió, chinh phục những đỉnh cao ấm no, hạnh phúc. Với những điều tốt đẹp ấy, trước thềm xuân mới 2014, chúng tôi đã "ngược núi, vén mây" trong tiết trời buốt lạnh tìm về Bắc Hà (Lào Cai) để được mục sở thị “sàn giao dịch” ngựa.
Giải đua ngựa Bắc Hà. (Nguồn: TTXVN)
"Sàn giao dịch" này là nơi trao đổi, thông thương của người dân bản địa, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Từ bao đời nay, người Mông, Tày, Nùng… đã sống trên các sườn núi đá giữa đại ngàn mây trắng Bắc Hà. Đồng bào chủ yếu sống bằng nghề làm nương, làm ruộng. Việc đi lại của họ cũng nhờ vào con ngựa rất nhiều nên ngựa luôn được coi là con vật gần gũi, có vai trò quan trọng với cuộc sống của đồng bào nơi đây.
Theo ông Thào Seo Cấu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Hà, với người dân vùng cao Bắc Hà, con ngựa là "đầu cơ nghiệp," giúp người dân rất nhiều việc nặng nhọc mà con người không thể cáng đáng được.
Hiện tổng số đàn ngựa tại Bắc Hà đã lên tới hàng nghìn con. Mỗi phiên chợ vào ngày chủ nhật hằng tuần, tại Bắc Hà có hàng trăm con ngựa được xuất bán từ chợ, được người dân mang đi khắp nơi làm sức kéo, sinh sản hoặc đem mổ lấy thịt.
Nếu như ở dưới xuôi có sàn giao dịch chứng khoán, bất động sản… thì ở Bắc Hà có “sàn giao dịch"... ngựa. Đến "sàn giao dịch" bà con có dịp mở mang, tiếp cận kiến thức chăn nuôi, kỹ năng giao thương hàng hóa để xóa nghèo, làm giàu từ nuôi ngựa.
Đến chợ ngựa Bắc Hà, chúng tôi thấy hàng trăm con ngựa nâu, đen, trắng và khoang đốm đủ loại đang gõ móng, hý vang trên khu đất trống rộng hơn 300 mét vuông năm trong khuôn viên chợ văn hóa Bắc Hà.
Người người chen nhau xem ngựa với đủ sắc màu quần áo người Mông, Tày, Nùng…Nhiều du khách nước ngoài cũng tìm đến chợ.
Chợ đông đúc nhưng không hề ồn ã, náo động như các kiểu chợ thường thấy, ở đây mọi người lang thang ngắm ngựa, bình phẩm hỏi giá cả, nếu ưng cái bụng thì mua, nếu không cũng vui vẻ đi tìm con ngựa khác. Người dân có nhu cầu đi mua lẻ hay các lái ngựa mua vài chục con một lúc, cứ lặng lẽ cầm thừng xem khoang khoáy, nắn đùi... để ước lượng thịt mà trả giá.
Chúng tôi đếm nhanh thấy có đến hàng chục lái ngựa, trên vai mỗi người đeo một túi giả da căng phồng tiền, đang lặng lẽ xem hàng, có người ngắm đến cả buổi mới xuống tiền để chọn một con ngựa ưng nhất.
Ở "sàn giao dịch", ngựa được cột vào các chỗ nhất định, có con vẫn còn được đeo chuông ở cổ và đa phần là ngựa mới chừng 2 đến 4 năm tuổi. Bà con bảo rằng, ngựa tầm tuổi đó là vừa đẹp vì sức khỏe tốt nhất, thịt cũng ngon nhất.
Chị Lèn Thị Sính- một người dân ở Bắc Hà mang tới chợ một con ngựa từ sáng sớm, có nhiều khách hỏi nhưng chị vẫn chưa bán vì đợi giá cao hơn. Chị Sính chia sẻ: "Nuôi ngựa dễ và lãi lắm. Ngày xưa mua một con ngựa con về làm giống chỉ 2 triệu thôi. Hàng ngày, nhà mình chỉ thả rông trên đồi, trẻ con cắt cỏ để mùa lạnh cho ngựa ăn, vợ chồng mình trồng thêm ngô vỗ béo, sau hai năm là bán được giá 15 triệu rồi…Còn nhiều tiền hơn cả đàn lợn đấy."
Ở “ sàn giao dịch” ngựa này hầu như ai cũng biết tiếng "lái ngựa" Nguyễn Quốc Hải với thâm niên làm nghề lái ngựa đã hơn mười năm. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tiếng đồng hồ sau khi len chân vào chợ, anh Hải đã mua được ngay 6 con ngựa với giá từ 15 đến 18 triệu đồng một con.
Theo anh Nguyễn Văn Hải, ngựa khỏe và chạy nhanh phải có dáng hình cao ráo, gân to, thịt săn, chân thẳng và thon chắc, răng trắng đều, bờm dày, lông đều và mượt như tơ lụa. Một chú ngựa chạy vài vòng quanh chân núi về mà không bị thở dốc được xem là có sức khỏe tốt.
Còn với những con ngựa được lựa chọn để về làm thịt thì việc mua có phần dễ dàng hơn. Người mua chỉ cần véo bụng thấy thịt "đầm tay" nghĩa là con ngựa béo tốt, nhiều thịt. Tất nhiên giá cả của ngựa thịt nhiều khi phụ thuộc vào con mắt rất chủ quan của thương lái.
Anh Hải cũng cho biết trung bình mỗi phiên giao dịch có hàng chục con ngựa được mua bán, mặt bằng giá ổn định, người dân không bị "ép" giá. "Đồng bào thật cái bụng mới bán, mình mua bán cũng phải thật thì phiên chợ tới mới gặp được nhau. "
Phiên chợ còn là dịp để gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm nuôi và chăm sóc cho ngựa nên bà con rất hào hứng, lặn lội đường đèo nhiều cây số từ sáng cho đến khoảng 16 giờ mới kết thúc phiên chợ và trở về nhà.
Nắng chiều nhạt buông trên cao nguyên trắng Bắc Hà. Chợ ngựa Bắc Hà tan dần theo làn mây trắng. Chủ ngựa và thương lái cùng vui chung nồi thắng cố, bát rượu ngô nồng cháy, nói lời hẹn gặp lại ở phiên chợ chủ nhật sau.
Nguyễn Thắng
theo TTXVN