Hàng năm, cứ tới dịp Tết Nguyên đán, người dân lại tấp nập mua hoa đào chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Hoa đào đã trở thành biểu tượng cho ngày Tết, cho mùa xuân. Thú chơi hoa và cây cảnh ngày Tết nói chung và thú chơi đào nói riêng thể hiện sự tinh tế trong tâm hồn người Việt.
Chơi hoa đào - một thú chơi tuy bình dị nhưng cũng rất cầu kỳ
Thú chơi đào của người Việt đã có từ rất lâu. Người Việt quan niệm màu đỏ thắm của hoa đào tượng trưng và dự báo một năm mới tươi sáng, ấm áp và mang tới nhiều sức khỏe, thành công, hạnh phúc trong năm mới.
Người nhiều tiền thì chơi đào cây, đào thế; người ít tiền thì chơi đào cành. Đối với những người cầu kỳ, có khi đi tìm hàng tuần, thậm chí cả tháng từ trước tết mới được cây đào thế ưng ý mang về trưng trong ba ngày Tết.
Nói tới hoa đào, không thể không nhắc tới hoa đào Nhật Tân - nét văn hóa cổ truyền đáng quý của người Hà Nội, đã hình thành và tồn tại đến mấy trăm năm.
Có rất nhiều nơi trồng đào, nhưng có lẽ không có nơi nào có đào đẹp như Nhật Tân. Đào Nhật Tân đẹp như vậy có lẽ bởi truyền thống, kỹ thuật của người trồng hoa vùng này và cũng bởi một yếu tố quan trọng nữa là thổ nhưỡng. Cũng bởi vẻ đẹp của đào nơi đây mà đối với những người sành đào, đào Nhật Tân là sự lựa chọn số một.
Đến làng đào nổi tiếng nhất Hà Nội – làng đào Nhật Tân trước Tết cổ truyền một thời gian ngắn, ta có thể thấy không khí tấp nập nơi đây, bởi đây là thời điểm vườn đào đã được lá, các nụ hoa bé li ti đang chờ đến tết để được khoe sắc.
Vào khoảng thập kỷ 80 trở về trước, người dân chỉ chơi cành đào cắm vào hai lọ hoa lục bình trên bàn thờ trong ba ngày Tết. Loại đào như thế được người dân trồng đào gọi là đào tròn hay đào cắt cành. Trồng loại đào này không mất nhiều công sức nhưng giá trị kinh tế không cao bằng việc trồng đào thế. Người trồng đào phải lên các tỉnh miền núi như Hà Giang, Sa Pa để lấy giống đào rừng (hạt đào hoặc cây con) về trồng làm gốc.
Anh Dũng, chủ vườn đào thế ở làng Nhật Tân kể, giống đào rừng rất khỏe và dễ sống, lấy giống đào rừng về trồng để lấy gốc khỏe, năm sau khi đào lên cành sẽ được uốn tròn tạo dáng, tết đến cắt cành bán, còn gốc vẫn giữ nguyên, năm sau sẽ mọc cành mới. Với cách làm này sẽ đỡ tốn công mà gốc đào khỏe, cho ra những cành đào chất lượng.
“Khi trồng loại đào tròn này, người trồng đào ở Nhật Tân đã kết hợp với trồng hoa dưới gốc để tăng thêm thu nhập. Cách làm này chỉ phù hợp làm đối với loại đào tròn. Đối với đào thế, không thể trồng thêm hoa dưới gốc, bởi nếu làm vậy sẽ làm hỏng cành đào thế” - anh Dũng cho biết.
Một kinh nghiệm được người dân trồng đào chia sẻ cho những ai chơi đào cắt cành đó là, đối với đào cắt cành, dù là bích đào, đào phai hay đào ta, trước khi cắm vào bình cần phải hơ gốc trên than lửa, làm như vậy hoa sẽ nở đều, bền và tươi màu.
Những năm trở lại đây, người chơi đào Tết có xu hướng chơi đào thế. Để có cây đào thế đẹp trong ba ngày Tết, với những thế cây như: phụ tử, mẫu tử, huynh đệ, trực ngôn, hình hài linh vật…Cầu kỳ hơn là những cây đào được cấy vào phôi đá. Muốn có được một cây đào thế đẹp người trồng đào phải lên các tỉnh miền núi tìm mua gốc đào rừng lâu năm.
Theo như anh Dũng, có khi phải nằm chờ cả tháng trời mới mua được một gốc đào ưng ý. Gốc đào được mua với giá khác nhau, từ 300.000 tới hơn 1 triệu/gốc tùy vào độ tuổi của gốc đào. Các gốc đào rừng rất khỏe, khi mang về sẽ được cắt kết rễ phụ, cành nhỏ, chỉ giữ lại gốc và thân chính để trồng, sau đó ghép mắt. Các mắt đào được ghép ở vị trí nào trên thân tùy thuộc vào dáng của gốc đào và thế đào người trồng muốn tạo. Bởi vì mùa xuân là mùa thích hợp cho việc đâm chồi, nên trong hai tháng cuối năm là lúc người trồng đào bắt đầu công việc ghép mắt. Những cây đào sau khi được ghép mắt cần được chăm sóc cẩn thận, chờ tới khi các mắt đào lớn thành cành mới tiếp tục dùng dây thép để tạo thế. Chính bởi những công đoạn phức tạp như vậy mà muốn có một cây đào thế đẹp, người trồng đào phải dày công uốn tỉa vài ba năm trở lên.
Thế đào đẹp đối với người chơi đào vẫn là chưa đủ. Người sành đào phải chọn cây đào có nhiều nụ và đặc biệt hoa phải nở rực rỡ trúng 3 ngày Tết, nụ và lộc phải tươi tắn. Người trồng đào cũng có những cách riêng để thúc đào mau nở. Nếu sắp tết mà thời tiết quá lạnh, đào sẽ khó nở hoa, muốn đào mau nở chỉ cần thường xuyên tưới nước là được. Tuy nhiên, lại không có cách nào nếu thời tiết nóng làm đào nở rộ trước tết. Những khi như vậy chỉ có cách mang bán rẻ. Đấy cũng chính là cái khó của người trồng đào.
Hoa đào cũng có nhiều màu, nhiều kiểu: Đào bích là thứ đào phổ biến nhất, cành tròn, như cái ô đặt ngược, hoa và nụ mập, thắm đỏ, rải đều trên khắp các cành. Đào phai, cũng là loại hoa kép nhiều tầng cánh như đào bích, nhưng hoa đào phai nhạt hơn, phơn phớt má hồng. Đào ta là loài đào ăn quả, hoa phớt hồng như đào phai nhưng hoa đơn năm cánh, cành mang vẻ tự nhiên, nhiều lộc non về sớm trước xuân.
Độc đáo “chơi” đào Thất Thốn
Ngoài những loại đào trên, thời gian qua, một số người “sành” chơi còn bỏ công sức, tiền của để “chơi” đào Thất Thốn. Được xem là “hoàng hậu” của các loại đào bởi vẻ đẹp tinh tế mà các loại đào khác không có được, đào thất thốn xưa vốn chỉ dùng làm “đặc sản tiến vua”.
Theo các nghệ nhân trồng đào thì đào Thất Thốn là loại đào cổ, hiếm và rất đắt đỏ. Nhật Tân là vùng đất hiếm hoi của cả nước còn trồng được đào thất thốn, nhưng số lượng cây cung cấp ra thị trường cũng rất khan hiếm và giá cũng rất đắt, kén người chơi.
Theo anh Hàm, một người có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng đào Thất Thốn trên đất Nhật Tân, mặc dù nguồn gốc và tên gọi của đào Thất Thốn có từ rất lâu nhưng để giải thích rõ ràng thì vẫn còn là ẩn số.
Có người giải thích về tên gọi Thất Thốn theo 3 nghĩa. Thứ nhất đó là mỗi cây đào thất thốn thì cứ khoảng 7 “thốn” (mỗi thốn bằng khoảng một đốt ngón tay) lại chia ra các cành nhỏ, mỗi đầu cành ra hoa hay có 7 bông tượng trưng cho chữ thất.
Nghĩa thứ hai là, lá đào Thất Thốn dài 7 khoảng thốn, gấp 3 - 4 lần so với lá đào thường. Thứ ba là 7 năm đào Thất Thốn mới ra hoa kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh. Vào ban đêm hoa tỏa hương thơm thoang thoảng mà giống đào thường không có được.
Khác với các loại bích đào hay đào phai khác, sắc hoa của đào Thất Thốn cũng đặc biệt hơn. Hoa đào đậm màu, không quá sẫm, nụ to, khi nở bông to, cánh kép tràn đầy sức sống. Lá, lộc đào cũng dày, xanh thẫm, mọc chìa đều ra xung quanh cành. Trong mỗi thốn đào, có thể ra vài chục bông hoa cùng lúc. Khi hoa tàn, hoa không rụng cánh lả tả như các giống đào khác mà vẫn ở nguyên trên đài hoa. Cái lạ nữa là hoa mọc thành chùm vài bông một, nhưng nếu không nở cùng lúc mà có bông nở trước, nó sẽ nở trùm lên những nụ khác, không cho những bông kia đẹp cùng.
Anh Hàm cho biết, đào Thất Thốn dáng bé nhỏ, chỉ cao chừng 1m, gốc cây xù xì, mốc meo, thân cây rắn rỏi, vào mùa đông nhìn như gốc củi mục. Vỏ cây nếu bóc ra thì tím màu mận chín chứ không có màu gỗ như các loại đào thường. Có cây không lá, không chồi, không hoa, nụ thì đen xì, nhưng ẩn sâu trong những “cành củi” mốc meo ấy là những nụ hoa đào chờ đâm chồi, nảy lộc.
Đặc biệt hơn, hoa đào Thất Thốn còn có thể mọc ở giữa gốc, giữa thân. Có cây, hoa còn mọc ở sát mặt đất, có cây ủ nụ vài năm mới nở hoa.
Một điểm đặc biệt ở loài hoa đào này là không bao giờ nở đúng tết dịp Nguyên đán. Thay vào đó, đào Thất Thốn thường chỉ ra hoa vào khoảng Rằm tháng Giêng để đón Tết Nguyên tiêu. Chính vì vậy, các nhà vườn chăm cây thường phải tìm nhiều phương pháp nhằm giúp ép cho đào Thất Thốn ra hoa nở đúng dịp Tết như kích ấm trong nhà kính... Tuy vậy, điều này đôi khi rất khó.
“Để có được một gốc đào Thất Thốn trưởng thành có thể cho thu hoạch ước tính phải mất 10 - 12 năm chăm sóc. Có lẽ vì sự khó khăn nhưng độc đáo của đào Thất Thốn mà chúng còn được gọi là Đào Tiến Vua - chỉ các bậc nhà giàu, vua chúa thời xưa mới được thưởng lãm” - anh Hàm tự hào chia sẻ.
Với đặc điểm riêng mà không một loại cây nào có được là dù bị cắt lìa cành vẫn trổ hoa, kết quả, đất càng cằn cỗi hoa càng đẹp thì với sức sống mãnh liệt của mình, đào thất thốn xứng đáng là loại hoa quý đại diện cho mùa Xuân làm đẹp thêm vùng đất Hà thành mỗi độ Tết đến, Xuân về.
Vĩ thanh
Có thể nói, hoa đào ngày Tết đã ăn sâu vào tâm thức của không biết bao nhiêu thế hệ người Việt Nam. Vào chiều ngày cuối cùng của tháng Chạp, gia đình nào chưa mua được đào về nhà là cảm thấy Tết chưa về.
Nếu như chọn mua được một cành đào đẹp, thậm chí là một cây đào độc đáo, ưng ý trưng trong nhà trong dịp Tết, ngoài ý nghĩa tạo cho cho xuân thêm hương, thêm sắc, còn là niềm mong ước và hy vọng một năm mới đến, mang theo sự ấm cúng cho mỗi nhà, gieo vào lòng mỗi người niềm vui, niềm tin yêu, hy vọng vào năm mới An Khang - Thịnh Vượng.
Đường Lâm
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng