Sự kiện hot
2 tháng trước

Nghệ An: Chè Shan tuyết giúp đồng bào người Mông thoát nghèo

Mỗi độ thu sang, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An lại rộn ràng với tiếng cười nói của đồng bào dân tộc Mông thu hoạch chè Shan tuyết – loại cây trồng chủ lực đã và đang giúp nhiều gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống, đồng thời mở ra hướng phát triển bền vững cho địa phương.

Chuyển đổi từ du canh, du cư sang sản xuất bền vững

Kỳ Sơn từng là huyện miền núi biên giới khó khăn nhất Nghệ An, nơi người Mông chủ yếu canh tác nương rẫy với năng suất thấp, dẫn đến tình trạng rừng bị tàn phá mà cái nghèo vẫn đeo bám.

Chè Shan tuyết được xem là cây trồng chủ lực của bà con Huồi Tụ

Trước thực trạng này, năm 2001, Tổng đội Thanh niên xung phong 8 (TNXP 8) đã mang giống chè Shan tuyết từ Hà Giang về trồng thử nghiệm tại hai xã Huồi Tụ và Mường Lống. Ban đầu, loại cây này đối mặt với nhiều hoài nghi, nhưng nhờ sự kiên trì vận động, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm, người dân dần chuyển đổi sang mô hình sản xuất mới.

Ông Vừ Vả Chống, một trong những hộ tiên phong ở bản Trung Tâm (xã Huồi Tụ), chia sẻ:"Gia đình tôi chuyển đổi hơn 2ha đất rẫy sang trồng chè Shan tuyết. Ban đầu rất khó khăn vì chưa quen kỹ thuật và phải chờ vài năm mới có thu hoạch. Nhưng khi lứa chè đầu tiên được cán bộ đến tận nương hái, cân ký và trả tiền, chúng tôi mới yên tâm gắn bó với cây chè."

Hiệu quả kinh tế từ chè Shan tuyết

Nhờ điều kiện khí hậu mát mẻ, chè Shan tuyết tại Kỳ Sơn phát triển tốt, búp chè xanh mướt, đạt chất lượng cao. Hiện nay, đồi chè của ông Chống đã mở rộng, kết hợp với trồng cây pơ mu, sa mu để lấy bóng mát và chăn nuôi gia cầm, mang lại thu nhập ổn định.

Chính quyền đang tìm hướng đi bền vưỡng cho cây chè Shan tuyết

Toàn xã Huồi Tụ hiện có hơn 400ha chè Shan tuyết, trong đó 200ha đã vào vụ thu hoạch. Trung bình, mỗi ha chè mang lại thu nhập 40-50 triệu đồng/năm – con số ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Mông. Giá chè hiện nay dao động từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, toàn bộ sản lượng được TNXP 8 thu mua, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân.

Hướng phát triển bền vững

Theo Trưởng phòng nông nghiệp huyện Kỳ Sơn cho biết,  hiện trên toàn huyện có hơn 600ha chè, tập trung tại các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Na Ngoi, với sản lượng đạt 1.400 tấn chè tươi mỗi năm. Chính quyền huyện đã triển khai đề án phát triển cây chè Shan tuyết thành sản phẩm chủ lực gắn với chế biến và tiêu thụ theo tiêu chuẩn OCOP giai đoạn 2021-2025.

Để nâng cao giá trị và mở rộng diện tích cây chè, huyện Kỳ Sơn đang tập trung vào các giải pháp: Phát triển sản xuất hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như xây dựng thương hiệu cho chè nơi đây

Ngoài ra, huyện đặt mục tiêu mở rộng diện tích chè lên 1.000ha vào năm 2030, trong đó 350ha ứng dụng công nghệ cao, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Dù sở hữu điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng lý tưởng, cây chè Shan tuyết tại Kỳ Sơn vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu do hạn chế về hạ tầng, kinh tế và khả năng tiếp cận kỹ thuật của người dân. Vì vậy, việc thực hiện dự án “Phát triển chè hữu cơ Shan tuyết liên kết chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu tập trung” là cần thiết, không chỉ để cải thiện đời sống mà còn nâng cao vị thế chè Nghệ An trên bản đồ nông sản Việt Nam.

Cây chè Shan tuyết không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn thắp sáng niềm tin, giúp đồng bào Mông tại Kỳ Sơn thoát nghèo, góp phần phát triển bền vững vùng núi biên giới này.

Diễm Phước

Theo KT&ĐU

Từ khóa: