Tính đến tháng 11/2024, Nghệ An đã thu hút 147 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 5 tỷ USD. Đặc biệt, 6 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã “rót” hơn 1,5 tỷ USD vào địa phương này, góp phần đưa Nghệ An trở thành một trong những trung tâm thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.
Trong số này, Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 95 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 105.786 tỷ đồng (4,539 tỷ USD). Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, Khu Kinh tế Đông Nam đã thu hút 53 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư lên đến 2,3 tỷ USD. Đây được xem là giai đoạn thành công nhất của tỉnh trong việc thu hút vốn FDI, đưa Nghệ An liên tục góp mặt trong top 10 địa phương thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước.
Hiện tại, nhiều dự án FDI quy mô lớn tại Nghệ An đã đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Một số dự án tiêu biểu bao gồm Nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn Runergy với tổng vốn đầu tư 440 triệu USD; Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện Goertek với vốn đầu tư 325 triệu USD; Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision (Việt Nam) với 194,68 triệu USD; Luxshare - ICT Nghệ An với 140 triệu USD; và Nhà máy KHKT Kim loại Tân Việt với tổng vốn đầu tư 125,2 triệu USD.
Ngoài những dự án đã hoàn thiện và đi vào sản xuất, một số dự án lớn khác hiện đang triển khai xây dựng như Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng với vốn đầu tư 200 triệu USD; Nhà máy chế tạo thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện Goertek 2 với 175 triệu USD; Luxshare - ICT 2 với 150 triệu USD;… cũng đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Đặc biệt, Nghệ An hiện là điểm đến của 6 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, gồm Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin, Juteng và Sunny, với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD. Những dự án này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn tạo việc làm cho hơn 86.000 lao động, trong đó hơn 40.000 lao động hiện đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, với thu nhập bình quân đạt hơn 8 triệu đồng/người/tháng.
Về hạ tầng, các khu công nghiệp như VSIP, WHA giai đoạn 1 và Hoàng Mai I cơ bản đã được lấp đầy. Đồng thời, các khu công nghiệp Thọ Lộc giai đoạn 1 và Hoàng Mai II cũng đang khẩn trương giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để sẵn sàng đón nhận thêm dòng vốn đầu tư mới.
Với sự góp mặt của những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới cùng sự cải thiện liên tục về môi trường đầu tư, Nghệ An đang khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp và đầu tư hàng đầu của khu vực miền Trung.
Diễm Phước
Theo KT&ĐU